Hiển thị tất cả Hướng dẫn sử dụng Thông tin dược chất Chống chỉ định Tác dụng phụ Lưu ý Quá liều Bảo quản Tương tác

Hình ảnh thuốc

Tóm tắt thuốc

Số đăng ký:

Đóng gói:

Chai 100 viên

Tiêu chuẩn:

Tuổi thọ:

Quốc gia sản xuất:

Công ty đăng ký:

Quốc gia đăng ký:

Loại thuốc:

Vitamin

Hướng dẫn sử dụng

Liều lượng:

Uống nguyên viên, không nhai.

Người lớn: 1 viên/lần, ngày 1 - 2 lần trong bữa ăn.

 

Thông tin về dược chất

1. Loại thuốc

Vitamin.

2. Dạng thuốc và Hàm lượng.

Một đơn vị quốc tế Vitamin D bằng hoạt tính sinh học của 25 Nanogam Ergocalciferol hay Colecalciferol.

  • Ergocalciferol:

    • Nang: 1,25mg (Drisdol).

    • Dung dịch uống: 0,2mg/ml (Calciferol, Drisdol); 0,01mg/giọt (Sterogyl); 15mg/1,5 ml (Sterogyl 15A và Sterogyl 15H).

    • Viên nén: 1,25mg (Calciferol).

    • Dung dịch để tiêm bắp: 12,5mg/ml (Calciferol); 15mg/1,5 ml (Sterogyl 15H).

  • Colecalciferol (INN: Colecalciferol):

    • Dung dịch uống: 7,5microgam/giọt (Adrigyl).

    • Dung dịch uống và tiêm bắp: 5mg/ml (Vitamin D3 BON).

  • Alfacalcidol:

    • Nang: 0,25 và 1 microgam (Un - alfa).

    • Dung dịch uống: 2 microgam/ml (Un - alfa).

    • Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 2 microgam/ml (Un - alfa).

  • Calcifediol:

    • Nang: 0,02 và 0,05mg (Calderol).

    • Dung dịch uống: 5 microgam/giọt (Dedrogyl).

  • Calcitriol:

    • Nang: 0,25 và 0,5 microgam (Rocaltrol).

    • Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 1 microgam/ml và 2 microgam/ml (Calcijex).

  • Dihydrotachysterol:

    • Nang: 0,125mg (Hytakerol).

    • Dung dịch uống đậm đặc: 0,2mg/ml (DHT Intensol).

    • Viên nén: 0,125; 0,2 và 0,4mg (DHT).

3. Dược lý và Cơ chế tác dụng:

Thuật ngữ Vitamin D dùng để chỉ một nhóm các hợp chất Sterol có cấu trúc tương tự, có hoạt tính phòng ngừa hoặc điều trị còi xương. Các hợp chất đó bao gồm: Ergocalciferol (Vitamin D2), Colecalciferol (Vitamin D3; tên chung quốc tế: Colecalciferol), Alfacalcidol (1 Alfa - Hydroxycholecalciferol), Calcifediol (25 - Hydroxycolecalciferol), Calcitriol (1 Alfa, 25 - Dihydroxycolecalciferol) và Dihydrotachysterol. Các chất này ở dạng hoạt động của chúng (1,25 - Dihydroxyergocalciferol, 1,25 - Dihydroxycolecalciferol và 25 - Hydroxydihydrotachysterol), cùng với hormon tuyến cận giáp và Calcitonin điều hòa nồng độ calci trong huyết thanh. Chức năng sinh học chính của Vitamin D là duy trì nồng độ calci và phospho bình thường trong huyết tương bằng tăng hiệu quả hấp thu các chất khoáng từ khẩu phần ăn ở ruột non và tăng huy động calci và phospho từ xương vào máu. Các dạng hoạt động của Ergocalciferol và Colecalciferol có thể có tác dụng phản hồi âm tính đối với sự tạo thành hormon cận giáp (PTH).

Alfacalcidol (1 Alpha - hydroxycolecalciferol; 1 - OHD3) là dẫn chất tổng hợp của Vitamin D3, đã được Hydroxyl hóa ở vị trí 1 alpha. Alfacalcidol được Hydroxyl hóa dễ dàng, tại vị trí 25 bởi hệ Microsom của gan để tạo thành Calcitriol {1,25 - (OH)2D3}; bởi vậy Alfacalcidol được dùng thay thế cho Calcitriol. Vì Alfacalcidol không cần phải Hydroxyl hóa ở thận nên được dùng để điều trị bệnh loạn dưỡng xương do thận.

Calcifediol (25 - Hydroxy Colecalciferol; 25 - OHD3) trước khi chuyển thành Calcitriol {1 alpha, 25 - Dihydroxy Colecalciferol; 1,25 - (OH)2D3}, bản thân cũng đã có tác dụng của Vitamin D.

Dihydrotachysterol (DHT) có tác dụng chống còi xương bằng khoảng 1/450 so với tác dụng đó của Vitamin D, nhưng với liều cao, DHT có hiệu quả hơn Vitamin D về mặt huy động các chất khoáng từ xương. Ðiều đó là cơ sở cho sử dụng DHT để duy trì nồng độ Ca2+ bình thường trong huyết tương ở người thiểu năng cận giáp. DHT phải qua Hydroxyl hóa ở vị trí 25 để tạo thành 25 - Hydroxydihydrotachysterol (25 - OH DHT), chất này có tác dụng ở cả ruột và xương.

Vitamin D có trong một số ít thực phẩm. Các dầu gan cá, đặc biệt dầu gan cá tuyến là nguồn có nhiều Vitamin D; những nguồn khác có ít Vitamin D hơn gồm bơ, trứng và gan. Một số thực phẩm được bổ sung Vitamin D như sữa và Margarin cùng có tác dụng cung cấp Vitamin D. Quá trình nấu ăn không ảnh hưởng tới hoạt tính của Vitamin D.

Thiếu hụt Vitamin D xảy ra khi tiếp xúc với ánh sáng không đủ hoặc khi khẩu phần ăn thiếu hụt Vitamin D (đặc biệt ở trẻ em) hoặc ở những người có hội chứng kém hấp thu chất béo, gồm những người có bệnh về gan, mật hoặc bệnh đường tiêu hóa và hấp thu chất béo giảm; một vài tình trạng bệnh như suy thận có thể cũng ảnh hưởng tới sự chuyển hóa của Vitamin D thành dạng hoạt động và dẫn đến thiếu hụt Vitamin D.

Loạn dưỡng xương do thận thường kết hợp với suy thận mạn tính và đặc trưng bởi giảm chuyển 25 - OHD3 thành 1a, 25 - (OH), 2D3 (Calcitriol). Giữ Phosphat gây giảm nồng độ calci huyết tương, dẫn đến cường cận giáp thứ phát và về mặt bệnh học, có những tổn thương điển hình của cường cận giáp (viêm xương xơ hóa) của thiếu hụt Vitamin D (nhuyễn xương), hoặc hỗn hợp cả hai trường hợp. Thiếu hụt Vitamin D dẫn đến những triệu chứng đặc trưng bởi hạ calci máu, hạ phosphat máu, khoáng hóa không đủ hoặc khử khoáng của xương, đau xương, gẫy xương, ở người lớn gọi là nhuyễn xương; ở trẻ em, có thể dẫn đến biến dạng xương, đặc biệt là biến dạng xương dài, gọi là còi xương.

Còi xương phụ thuộc Vitamin D là bệnh về gen thân lặn do bẩm sinh trong chuyển hóa Vitamin D có liên quan đến giảm chuyển 25 - OHD3 thành Calcitriol.

4. Dược động học:

Vitamin D được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Cả Vitamin D2 và D3 đều được hấp thu từ ruột non, Vitamin D3 có thể được hấp thu tốt hơn. Phần chính xác ở ruột hấp thu nhiều Vitamin D tùy thuộc vào môi trường mà Vitamin D được hòa tan. Mật cần thiết cho hấp thu Vitamin D ở ruột. Vì Vitamin D tan trong lipid nên được tập trung trong vi thể dưỡng chấp, và được hấp thu theo hệ bạch huyết; xấp xỉ 80% lượng Vitamin D dùng theo đường uống được hấp thu theo cơ chế này. Vitamin D và các chất chuyển hóa của nó luân chuyển trong máu liên kết với Alpha Globulin đặc hiệu. Nửa đời trong huyết tương của Vitamin D là 19 - 25 giờ, nhưng thuốc được lưu giữ thời gian dài trong các mô mỡ.

Colecalciferol và Ergocalciferol được Hydroxyl hóa ở gan tạo thành 25 - Hydroxycolecalciferol và 25 - Hydroxyergocalciferol tương ứng. Những chất này tiếp tục được Hydroxyl hóa ở thận để tạo thành những chất chuyển hóa hoạt động 1,25 - Dihydroxycolecalciferol và 1,25 - Dihydroxyergocalciferol tương ứng và những dẫn chất 1,24,25 - Trihydroxy.

Gan là nơi chuyển Vitamin D thành 25 - OHD, chất này liên kết với protein và luân chuyển trong máu. Thực tế, 25 - OHD có ái lực cao với protein hơn hợp chất mẹ. Dẫn chất 25 - Hydroxy có nửa đời là 19 ngày và là dạng chủ yếu của Vitamin D trong máu. Nồng độ ở trạng thái ổn định của 25 - OHD là 15 - 50 nanogam/ml. Nửa đời của Calcitriol khoảng 3 - 5 ngày, và 40% liều điều trị được đào thải trong vòng 10 ngày. Calcitriol được Hydroxyl hóa bởi men Hydroxylase ở thận thành 1,24,25 - (OH)3D3, men này còn Hydroxyl hóa 25 - OHD3 để tạo thành 24,25 - (OH)2D3. Cả 2 hợp chất 24 - Hydroxy này có ít hoạt tính hơn Calcitriol và có thể là sản phẩm bài xuất.

Vitamin D và các chất chuyển hóa của nó được bài xuất chủ yếu qua mật và phân, chỉ có một lượng nhỏ xuất hiện trong nước tiểu. Một vài loại Vitamin D có thể được tiết vào sữa.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với Vitamin D.

  • Tăng Calci máu hoặc nhiễm độc Vitamin D.

Tác dụng phụ

1. Tác dụng không mong muốn (ADR).

Dùng Vitamin D với liều không vượt quá nhu cầu sinh lý thường không độc. Tuy nhiên, có thể xảy ra cường Vitamin D khi điều trị liều cao hoặc kéo dài hoặc khi tăng đáp ứng với liều bình thường Vitamin D và sẽ dẫn đến những biểu hiện lâm sàng rối loạn chuyển hóa Calci. Một số trẻ nhỏ có thể tăng phản ứng với một lượng nhỏ Vitamin D. Ở người lớn, cường vitamin D có thể do sử dụng quá liều Vitamin D trong trường hợp thiểu năng cận giáp hoặc ưa dùng Vitamin D với liều quá cao. Cũng có thể xảy ra nhiễm độc ở trẻ em sau khi uống nhầm liều Vitamin D của người lớn.

Lượng Vitamin D gây cường Vitamin D thay đổi nhiều từ người này tới người khác. Thông thường, người có chức năng cận giáp bình thường và nhạy cảm bình thường với Vitamin D uống liên tục 50.000 đơn vị Vitamin D/ngày hoặc nhiều hơn hàng ngày có thể bị nhiễm độc Vitamin D. Cường Vitamin D đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang dùng Digitalis, vì độc tính của các Glycosid tim tăng lên khi có tăng Calci huyết.

Dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ngộ độc Vitamin D là dấu hiệu và triệu chứng của tăng Calci máu (xem dưới). Tăng Calci máu có cường Vitamin D là do đơn thuần nồng độ trong máu của 25 - OHD rất cao, còn nồng độ của PTH và Calcitriol trong huyết tương đều giảm.

Tăng Calci huyết và nhiễm độc Vitamin D có một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp, ADR > 1/100

    • Thần kinh: Yếu, mệt, ngủ gà, đau đầu.

    • Tiêu hóa: Chán ăn, khô miệng, vị kim loại, buồn nôn, nôn, chuột rút ở bụng, táo bón, ỉa chảy, chóng mặt.

    • Khác: Ù tai, mất điều hòa, ngoại ban, giảm trương lực cơ, đau cơ, đau xương, dễ bị kích thích.

  • Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

    • Niệu - sinh dục: Giảm tình dục, nhiễm Calci thận, rối loạn chức năng thận (dẫn đến đa niệu, tiểu đêm, khát nhiều, giảm tỷ trọng nước tiểu, protein niệu).

    • Khác: Sổ mũi, ngứa, loãng xương ở người lớn, giảm phát triển cơ thể ở trẻ em, sút cân, thiếu máu, viêm kết mạc vôi hóa, sợ ánh sáng, vôi hóa nhiều nơi, viêm tuỵ, vôi hóa mạch nói chung, cơn co giật.

  • Hiếm gặp, ADR > 1/1000

    • Tim mạch: Tăng huyết áp, loạn nhịp tim.

    • Chuyển hóa: Có thể tăng Calci niệu, phosphat niệu, albumin niệu, nitơ urê huyết, cholesterol huyết thanh, nồng độ AST (SGOT) và ALT (SGPT). Giảm nồng độ men phosphatase kiềm trong huyết thanh.

    • Khác: Loạn tâm thần rõ, rối loạn điện giải trong huyết thanh cùng với nhiễm toan nhẹ.

2. Hướng dẫn cách xử trí ADR.

  • Vì tăng Calci huyết có thể nguy hiểm hơn hạ Calci huyết, nên tránh điều trị quá liều Vitamin D cho trường hợp hạ Calci huyết.

  • Thường xuyên xác định nồng độ Calci huyết thanh, nên duy trì ở mức 9 - 10 mg/decilít (4,5 - 5 mEq/lít). Nồng độ Calci huyết thanh thường không được vượt quá 11 mg/decilit.

  • Trong khi điều trị bằng Vitamin D, cần định kỳ đo nồng độ Calci, Phosphat, Magnesium huyết thanh, Nitơ Ure máu, Phosphatase kiềm máu, Calci vàPhosphat trong nước tiểu 24 giờ.

  • Giảm nồng độ Phosphatase kiềm thường xuất hiện trước tăng Calci huyết ở người nhuyễn xương hoặc loạn dưỡng xương do thận.

  • Nên cho uống nhiều nước hoặc truyền dịch để làm tăng thể tích nước tiểu, nhằm tránh tạo sỏi thận ở người tăng Calci niệu.

Lưu ý

1. Thận trọng:

Thận trọng:

  • Sarcoidosis hoặc thiểu năng cận giáp (có thể gây tăng nhạy cảm với Vitamin D), suy chức năng thận, bệnh tim, sỏi thận, xơ vữa động mạch.

Thời kỳ mang thai:

  • Nếu sử dụng Vitamin D với liều lớn hơn liều bổ sung hàng ngày đã được khuyến cáo (RDA) cho người mang thai bình thường (400 đvqt) thì có thể xảy ra nguy cơ, vì vậy không nên sử dụng Vitamin D với liều lớn hơn RDA cho người mang thai. Ðã xảy ra hẹp van động mạch chủ, bệnh thận và chậm phát triển về tâm thần và/hoặc chậm phát triển cơ thể khi có tăng Calci máu kéo dài ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mà mẹ chúng đã bị tăng Calci máu trong thời kỳ mang thai. Tăng Calci máu trong thời kỳ mang thai có thể gây giảm nồng độ hormon cận giáp ở trẻ sơ sinh dẫn đến hạ Calci máu, co giật và động kinh.

  • Nếu khẩu phần ăn không đủ Vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với bức xạ tử ngoại, nên bổ sung Vitamin D tới liều RDA trong thời kỳ mang thai.

Thời kỳ cho con bú:

  • Vitamin D tiết vào sữa, vì vậy không nên dùng Vitamin D với liều lớn hơn liều RDA cho người cho con bú. Nên dùng Vitamin D phụ thêm nếu khẩu phần ăn không đủ Vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với bức xạ tử ngoại.

Quá liều

Nên thông báo cho người bệnh về những nguy hiểm và triệu chứng quá liều Vitamin D dẫn đến cường Vitamin D và nhiễm độc Calci huyết thanh do Vitamin D như trong phần ADR.

Ðiều trị nhiễm độc Vitamin D: Ngừng thuốc, ngừng bổ sung Calci, duy trì khẩu phần ăn có ít Calci, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Nếu cần, có thể dùng Corticosteroid hoặc các thuốc khác, đặc biệt thuốc lợi tiểu tăng thải Calci (như: Furosemid và Acid Ethacrynic) để giảm nồng độ Calci trong huyết thanh. Có thể sử dụng lọc máu thận nhân tạo hoặc thẩm tách màng bụng để thải Calci tự do ra khỏi cơ thể. Nếu ngộ độc Vitamin D cấp, vừa mới uống thì có thể ngăn ngừa tiếp tục hấp thu Vitamin D bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu thuốc đã qua dạ dày, điều trị bằng dầu khoáng có thể thúc đẩy thải trừ Vitamin D qua phân. Vì những chất chuyển hóa 25 - OH của Ergocalciferol và Colecalciferol được tích lũy trong cơ thể, nên tăng Calci máu có thể kéo dài 2 tháng hoặc lâu hơn, sau khi điều trị dài ngày với những liều lớn của những thuốc này. Sau khi ngừng điều trị bằng Dihydrotachysterol hoặc Calcifediol, tăng Calci máu vẫn còn tồn tại trong khoảng tương ứng 2 hoặc 2 - 4 tuần. Sau khi ngừng điều trị bằng Calcitriol, nồng độ Calci huyết thanh trở về bình thường trong vòng 2 - 7 ngày.

Bảo quản

  • Bảo quản Vitamin D trong bao gói, kín, tránh ánh sáng và ẩm ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

  • Ở dạng dung dịch: Sử dụng thuốc ngay sau khi đã mở bao gói, tránh tiếp xúc với ánh sáng. Vitamin D có thể liên kết mạnh với chất dẻo, dẫn đến một lượng thuốc đáng kể bị lưu giữ tại bao gói và bộ tiêm truyền.

Tương tác

  • Không nên điều trị đồng thời Vitamin D với Cholestyramin hoặc Colestipol hydroclorid, vì có thể dẫn đến giảm hấp thu Vitamin D ở ruột.

  • Sử dụng dầu khoáng quá mức có thể cản trở hấp thu Vitamin D ở ruột.

  • Ðiều trị đồng thời Vitamin D với thuốc lợi niệu Thiazid cho những người thiểu năng cận giáp có thể dẫn đến tăng Calci huyết. Trong trường hợp đó cần phải giảm liều Vitamin D hoặc ngừng dùng Vitamin D tạm thời. Dùng lợi tiểu Thiazid ở những người thiểu năng cận giáp gây tăng Calci huyết có lẽ là do tăng giải phóng Calci từ xương.

  • Không nên dùng đồng thời Vitamin D với Phenobarbital và/hoặc Phenytoin (và có thể với những thuốc khác gây cảm ứng men gan) vì những thuốc này có thể làm giảm nồng độ 25 - Hydroxyergocalciferol và 25 - Hydroxy - Colecalciferol trong huyết tương và tăng chuyển hóa Vitamin D thành những chất không có hoạt tính.

  • Không nên dùng đồng thời Vitamin D với Corticosteroid vì Corticosteroid cản trở tác dụng của Vitamin D.

  • Không nên dùng đồng thời Vitamin D với các Glycosid trợ tim vì độc tính của Glycosid trợ tim tăng do tăng Calci huyết, dẫn đến loạn nhịp tim.