Tóm tắt bệnh Đau mắt hột

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Trachoma

Bệnh mắt hột là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có ảnh hưởng đến mắt. Vi khuẩn truyền nhiễm, lây lan do tiếp xúc với mắt, mí mắt, mũi, cổ họng của người nhiễm hoặc do tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm vi khuẩn. Ban đầu, đau mắt hột có thể gây ngứa nhẹ và kích ứng mắt và mí mắt, sau đó mí mắt bị sưng và có mủ chảy ra từ mắt. Nếu không điều trị, bệnh đau mắt hột có thể dẫn đến mù lòa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng 6 triệu người đã bị mù do bệnh mắt hột. Điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đau mắt hột.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau mắt hột thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và có thể bao gồm: ngứa nhẹ, kích ứng mắt và mí mắt, mắt chảy dịch nhầy hoặc mủ, sưng mí mắt, sợ ánh sáng, đau mắt.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm dịch nhầy/mủ mắt để xác định vi khuẩn gây bệnh.

Điều trị

  • Điều trị phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh.

  • Trong giai đoạn đầu, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể giúp loại bỏ các nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ tra mắt Tetracycline hoặc Azithromycin uống (Zithromax). Azithromycin có hiệu quả hơn Tetracycline nhưng tốn kém hơn.

  • Điều trị các giai đoạn sau của bệnh đau mắt hột bao gồm dị tật mí gây đau có thể cần phải phẫu thuật.

  • Nếu giác mạc bị ảnh hưởng nặng, gây giảm nghiêm trọng thị lực, ghép giác mạc là một lựa chọn.

Tổng quan bệnh Đau mắt hột

Bệnh mắt hột là tình trạng viêm mạn tính của lớp mô bên ngoài của mắt và mí mắt (kết mạc). Tình trạng này xảy ra do nhiễm một loại vi sinh vật là Chlamydia trachomatis.

Qua một quá trình nhiều năm từ những năm đầu của thời thơ ấu, sự viêm nhiễm, vốn là đáp ứng của cơ thể với nhiễm trùng, làm cho kết mạc hóa sẹo và thô ráp. Tình trạng này cản trở chức năng bình thường của kết mạc là bôi trơn, bảo vệ và dinh dưỡng cho lớp mô trong suốt ở mặt trước của mắt, tức là giác mạc. Giác mạc cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình viêm nhiễm này. Vì vậy, giác mạc cũng dần tự hóa sẹo, bị mờ đi, không đồng nhất và phát triển những mạch máu bất thường, làm giảm thị lực.

Giác mạc cũng trở nên nhạy cảm hơn với các loại nhiễm trùng khác và giảm khả năng ứng phó với những tổn thương từ môi trường bên ngoài và chấn thương. Toàn bộ quá trình này thường kéo dài nhiều năm.

Ở giai đoạn muộn, mí mắt có thể hóa sẹo nhiều làm cho chúng áp sát vào phía trong và vì vậy, các lông mi sẽ cọ xát lên giác mạc (chứng lông quặm). Quá trình này vừa gây đau vừa gây tổn thương giác mạc. Trong trường hợp này, tổn thương giác mạc sẽ xấu đi nhanh chóng. Nếu không điều trị, sẹo hóa và sự mờ đục giác mạc sẽ nhanh chóng dẫn đến mù lòa đối với mắt đó. Thường thì cả hai mắt cùng bị ảnh hưởng, vì vậy, bệnh nhân sẽ bị mù. Mù do bệnh mắt hột hầu như không thể chữa được và cuối cùng, mắt thường bị phá hủy bởi nhiễm trùng thứ phát.

Điều trị bệnh

Bệnh mắt hột chiếm tỉ lệ rất cao trong dân số, biểu hiện bệnh từ những trường hợp rất nhẹ nhàng, không có triệu chứng gì, có thể tự khỏi không cần điều trị. Những trường hợp nặng, nhiều biến chứng nếu không điều trị sẽ đưa đến mù lòa. Vì vậy, khi mắc bệnh mắt hột hoặc có các triệu chứng nghi ngờ bị bệnh, phải đến khám tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn biện pháp điều trị hữu hiệu.

Điều trị bệnh mắt hột bằng thuốc

  • Thuốc tra mắt mỡ tetracyclin 1%

  • Điều trị liên tục: tra mắt, ngày 2 lần liên tục trong 6 tuần liền.

  • Điều trị ngắt quãng: tra mắt 1 lần vào buổi tối trước ngủ, liên tục 10 ngày trong 1 tháng, trong 6 tháng liền. Hoặc tra 2 lần/ngày x 5 ngày trong 1 tháng x 6 tháng.

  • Thuốc tra mắt mỡ tetracyclin 1% có ưu điểm là dễ mua, rẻ tiền, có thể tra cho trẻ dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai, nhưng nhược điểm là tra mắt kéo dài nên người bệnh khó thực hiện đúng.

Thuốc kháng sinh theo đường toàn thân

  • Chỉ định trong những trường hợp mắt hột nặng.

  • Erythromycin 250 mg uống 4 viên/ngày x 3 tuần.

  • Zithromax (Azythromycin) dùng cho bệnh mắt hột hoạt tính. Azythromycin là một kháng sinh tương tự như erythromycin nhưng tốt hơn do khả năng thâm nhập mạnh vào các mô tế bào, đậm độ thuốc tập trung cao và kéo dài với 1 liều dùng duy nhất đúng 1 lần/năm.

  • Các chương trình điều trị bệnh mắt hột chủ yếu dựa trên việc duy trì kháng sinh tra mắt hàng loạt. Bắt đầu điều trị tích cực và rộng rãi bằng thuốc có khả năng làm giảm nguồn lây lan Chlamydia ở mắt trong nhân dân. Sau đó tiếp tục tra thuốc ngắt quãng trong từng gia đình để khống chế thêm sự lan truyền Chlamydia từ mắt sang mắt.

Điều trị các biến chứng

  • Viêm kết mạc, bờ mi.

  • Viêm loét giác mạc.

  • Viêm mủ túi lệ: Mổ nối thông lệ mũi.

  • Khô mắt: Tra thuốc, nước mắt nhân tạo.

  • Mổ quặm: đây là phương pháp điều trị cần thiết, khẩn cấp để đề phòng mù lòa do bệnh mắt hột. Nếu có dưói 5 lông xiêu mức độ chọc vào mắt chưa nhiều, chưa có điều kiện đi mổ ngay thì phải nhổ lông xiêu thường xuyên và tra thuốc mỡ tetracyclin 1% hàng ngày rồi đi mổ sau. Nếu có từ 5 lông xiêu trở lên cần phải đi mổ quặm ngay.

Các câu hỏi liên quan bệnh Đau mắt hột