Ung thư

UNG THƯ VÚ, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TỰ CHUẨN ĐOÁN

2021-05-23 11:48:57

Ung thư vú là một trong các căn bệnh nguy hiểm thường gặp ở nữ giới. Quan tâm đến sức khỏe của bản thân và nâng cao nhận thức của chính bản thân sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh trong việc phát hiện sớm, cũng như điều trị ung thư vú hiệu quả.

UNG THƯ VÚ, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TỰ CHUẨN ĐOÁN UNG THƯ VÚ, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP TỰ CHUẨN ĐOÁN

1. Tổng quan

Ung thư vú là bệnh xuất phát từ các tế bào của mô tuyến vú, các tế bào này phát triển rất nhanh, vượt ngoài tầm tự kiểm soát của cơ thể. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh và khoảng 600.000 người tử vong do ung thư vú. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới nên đây là mối quan tâm của rất nhiều chị em phụ nữ.

Vậy, chị em phụ nữ chúng ta cần hiểu đúng về bệnh ung thư vú như thế nào? Bài viết này sẽ giúp chị em hiểu đúng để có thể phát hiện bệnh sớm, giúp tự nâng cao việc chăm sóc cho bản thân…

2. Phân chia giai đoạn

Ung thư vú được chia thành 5 giai đoạn, giai đoạn 0 là ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ, giai đoạn I đến III là giai đoạn ung thư vú xâm nhập, tiến triển tại chỗ tại vùng, và giai đoạn IV là giai đoạn có di căn xa hay còn gọi là giai đoạn cuối.

Không phải lúc nào các tế bào ung thư khi vừa xuất hiện đã xâm lấn các mô xung quanh và di căn xa, mà thông thường là các tế bào ung thư sẽ có giai đoạn dài phát triển tại chỗ, tại vùng trước khi lan rộng và di căn xa. Nếu ung thư vú được phát hiện và can thiệp điều trị ở các giai đoạn sớm, thì chúng ta có thể cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, chi phí phù hợp và chất lượng cuộc sống của người bệnh tốt hơn.

Hiện nay, các chương trình nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về ung thư vú và các nghiên cứu mới đã giúp tạo ra những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý này. Tỷ lệ sống còn đã tăng lên và số ca tử vong liên quan đến căn bệnh này đang giảm dần, phần lớn là do các yếu tố như phát hiện sớm hơn, phương pháp điều trị mới được cá nhân hóa và chị em phụ nữ đã có những hiểu biết, nhận thức tốt hơn về căn bệnh này.

3. Triệu chứng ung thư vú

Ung thư vú có triệu chứng rất đa dạng và đôi khi, một số người không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Một số triệu chứng cảnh báo sớm có thể bị ung thư vú gồm: sự xuất hiện một khối bất thường ở vú, khối vùng nách (có thể là hạch nách), thay đổi da vùng vú hay tụt núm vú.

Điều làm cho người bệnh cảm thấy lo lắng và đến khám thường là tình cờ mới phát hiện sự xuất hiện của một khối bất thường ở vú. Tuy nhiên, phần lớn các khối ở vú là do các tình trạng bệnh lý khác với 2 nguyên nhân phổ biến nhất là thay đổi sợi bọc và nang vú, đây là các bệnh lành tính. Một số đặc điểm giúp hướng đến là khối u ác tính ở vú là khối u có giới hạn không rõ, cứng chắc, kém di động. Cần lưu ý là 95% bệnh nhân ung thư vú hoàn toàn không có triệu chứng đau vú, đây cũng là lý do khiến nhiều chị em phụ nữ không đến khám sớm ngay vì cho rằng “ung thư phải đau”.

Các triệu chứng khác như tụt núm vú, thay đổi da vùng vú thường chỉ hiện diện khi ung thư vú ở giai đoạn tiến xa.

4. Nâng cao nhận thức về ung thư vú

Ung thư vú là bệnh rất thường gặp ở phụ nữ, hơn nữa, việc chẩn đoán sớm ung thư vú sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng điều trị cho người bệnh. Do đó, việc tầm soát và chẩn đoán sớm ra bệnh là vô cùng quan trọng. Có nhiều phương pháp tầm soán ung thư vú như khám vú định kỳ tại cơ sở y tế, chụp nhũ ảnh, siêu âm hay MRI vú.

Trước đây, hướng dẫn phụ nữ tự khám vú tại nhà được xem như là một trong những phương pháp quan trọng trong tầm soát ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đã kết luận việc tự khám vú tại nhà không giúp cải thiện sống còn cho bệnh nhân, mà ngược lại, làm bệnh nhân lo lắng không cần thiết, làm tăng số lần thực hiện thủ thuật (như sinh thiết vú) một cách không cần thiết dẫn đến làm tăng nguy cơ xảy ra tai biến khi thực hiện các thủ thuật đó. Vì thế, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới đã không còn khuyến cáo việc tự khám vú tại nhà để tầm soát nữa.

Như vậy, để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, chị em phụ nữ cần phải làm gì? Câu trả lời đó là “tự nâng cao nhận thức của bản thân về ung thư vú”.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống khoa học, vận động thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi hợp lý.

- Chú ý và ghi nhớ đến những người trong gia đình mắc ung thư vú (mẹ, chị em gái…), hãy kể cho bác sĩ về tiền sử gia đình mắc bệnh lý này khi đến khám bệnh.

- Làm quen với vú của chính bản thân mình để có thể cảm nhận tốt bất kỳ những thay đổi nhỏ nào như kích thước, mật độ và cảm giác ở vú. Việc bản thân làm quen với chính tuyến vú của mình có thể sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện sớm ra bệnh, vì chính bản thân bệnh nhân mới cảm nhận rõ rệt nhất những khác biệt trong chính cơ thể của mình.

- Tầm soát ung thư vú: nên trao đổi với bác sĩ để đánh giá nguy cơ mắc ung thư vú của bản thân để có kế hoạch tầm soát phù hợp.

Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, đổi với phụ nữ bình thường (không có bất kỳ yếu tố nguy cơ cao nào mắc ung thư vú) nên tầm soát vú bằng nhũ ảnh bắt đầu từ năm 50 tuổi, mỗi năm 1 lần. Từ năm 55 tuổi trở lên, phụ nữ có thể tầm soát bằng nhũ ảnh 1 – 2 năm/lần và tiếp tục tầm soát miễn là đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện.

Tài liệu tham khảo

  1. National Comprehensive Cancer Network (NCCN), 2020.
  2. AJCC Cancer Staging Manual-Springer, 2017.

ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên

(http://choray.vn/TTUngBuou/Default.aspx?tabid=135&ID=5097)

0 bình luận

Gửi ý kiến bình luận
Xem thêm
Rất hữu ích Rất hữu ích
Hữu ích Hữu ích
Bình thường Bình thường

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe

hãy liên hệ với Tdoctor thông qua cách thức đặt câu hỏi trực tuyến Tại đây.
Hoặc mời bạn liên hệ qua Hotline/ Zalo: 0393.167.234 hay có thể tìm bác sĩ tại đây
Trân trọng.