Tai Mũi Họng
VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN CẤP|BS NGUYỄN THỊ OANH
Viêm đường hô hấp cấp thông thường tiên lượng thường nhẹ, có thể tự khỏi, các triệu chứng sốt, đau mỏi người, chảy mũi ngạt mũi rát họng thường giảm dần sau 5 - 7 ngày; triệu chứng ho thường kéo dài hơn, có thể đến 14 ngày.
-
ĐẠI CƯƠNG
1.1. Nhắc lại giải phẫu ứng dụng của đường hô hấp trên
Đường hô hấp trên bao gồm toàn bộ hốc mũi, các xoang mặt, vòm họng, họng miệng, hạ họng và thanh quản. Toàn bộ các khoang của đường hô hấp trên được bao phủ bởi lớp biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển.
Các cấu trúc giải phẫu của đường hô hấp trên nằm ở cửa ngõ của cả đường hô hấp và đường tiêu hóa, giữ vai trò sinh lý quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây nhiễm bệnh tại hai đường này.
1.2. Định nghĩa
Viêm đường hô hấp trên cấp (còn gọi là viêm mũi họng cấp hay cảm lanh thông thường) là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp làm tổn thương niêm mạc vùng mũi họng.
Bệnh có thể xuất hiện đơn thuần hoặc là biểu hiện viêm long đường hô hấp trên trong giai đoạn đầu của nhiều bệnh nhiễm trùng lây.
1.3. Dịch tễ học
Bệnh thường gặp vào mùa lạnh ở các vùng có khí hậu thay đổi, tăng cao vào mùa thu – đông hoặc khi thay đổi thời tiết đột ngột.
Tuổi: thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ tuổi tiền học đường (trung bình 6 đến 8 đợt mỗi năm), nhiều hơn so với trẻ lớn và người lớn (trung bình 4 lần mỗi năm).
2.NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH
2.1. Nguyên nhân
- Virus (chiếm đến 80%, đặc biệt là ở trẻ nhỏ): rất nhiều loại virus gây viêm mũi họng cấp như Rhinovirus, Coronavirus, Influenzae virus, Parainfluenzae virus, Respiratory Syncytial virus, Coxsackie virus, Enterovirus, Adenovirus, Epstein-Barr virus…
- Vi khuẩn (chiếm khoảng 20%) chủ yếu là liên cầu beta tan huyết nhóm A, Haemophilus influenzae, phế cầu…; có thể gặp cả vi khuẩn không điển hình (ví dụ: Mycoplasma pneumoniae…)
2.2. Yếu tố nguy cơ
- Trẻ em đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo hoặc trường học. Khi trẻ bị bệnh hay dùng tay quệt mũi và dụi mắt, ít khi rửa tay… làm tăng nguy cơ lây nhiễm giữa các trẻ.
- Tiếp xúc với các chất xuất tiết từ mũi họng của người bệnh (khi người bệnh ho, hắt hơi…) làm các giọt bắn (thường mang nhiều tác nhân gây bệnh, đặc biệt là mang virus) dính vào tay hoặc niêm mạc mắt mũi miệng người lành cũng làm nhanh phát tán bệnh.
- Hút thuốc lá thụ động hoặc chủ động.
3.TRIỆU CHỨNG
3.1. Lâm sàng
Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 6 ngày, sau đó người bệnh thường có những dấu hiệu và triệu chứng sau:
3.1.1. Triệu chứng toàn thân
- Mệt mỏi, có thể sốt nhẹ.
- Trẻ nhỏ có thể biểu hiện sốt cao, quấy khóc, bú kém, ngủ kém, tiêu chảy, nôn trớ.
3.1.2.Triệu chứng cơ năng
- Chảy mũi: lúc đầu dịch thường màu trắng trong và loãng, sau vài ngày có thể chuyển thành nhày đục, màu vàng xanh. Dịch mũi chảy ra cửa mũi trước (người bệnh phải xì mũi nhiều) hoặc đọng ở cửa mũi sau làm người bệnh khịt xuống họng sau đó khạc ra.
- Hắt hơi.
- Ngạt mũi: ngạt cả hai bên, từng lúc.
- Đau đầu.
- Đau rát họng, nuốt đau ít.
- Hơi thở hôi.
- Ho: lúc đầu ho khan, sau vài ngày thường chuyển thành ho đờm.
- Có thể khàn tiếng.
3.1.3.Triệu chứng thực thể
- Mũi: niêm mạc cuốn mũi phù nề sung huyết, có thể xuất tiết dịch trong hoặc nhày ở sàn mũi và khe giữa.
- Họng: niêm mạc họng sung huyết, amydan khẩu cái có thể sưng nề, đôi khi có giả mạc trắng ở bề mặt amydan khẩu cái và chấm xuất huyết ở niêm mạc vòm khẩu cái hoặc ở màn hầu mềm.
- Có thể có viêm kết mạc kèm theo (trường hợp nhiễm Adenovirus).
3.2. Cận lâm sàng
Viêm đường hô hấp trên cấp thông thường: nói chung không cần chỉ định cận lâm sàng. Có thể làm: công thức máu (số lượng bạch cầu thường không tăng); CRP (không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ < 6mg/dl).
Cận lâm sàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán phân biệt viêm đường hô hấp trên cấp thông thường với các bệnh lý nguy hiểm khác cũng có biểu hiện khởi đầu là viêm đường hô hấp trên cấp (ví dụ: cúm, sởi, ho gà, viêm thanh quản cấp phù nề hạ thanh môn, viêm thanh khí phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, viêm não - màng não cấp do virus, viêm cơ tim cấp do virus…), đồng thời các xét nghiệm có thể giúp định hướng nguyên nhân gây viêm là nhóm vi khuẩn hay virus để có phác đồ điều trị phù hợp.
-
CHẨN ĐOÁN
4.1. Chẩn đoán xác định
Viêm đường hô hấp trên cấp được chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng:
- Toàn thân: mệt mỏi, ăn ngủ kém, có thể sốt nhẹ, đau cơ, đau mỏi người
- Cơ năng: biểu hiện viêm long đường hô hấp trên (chảy mũi ngạt mũi, hắt hơi, ho khan sau đó ho đờm, đau họng ít…)
- Thực thể: niêm mạc mũi họng sung huyết, xuất tiết nhày…
4.2. Chẩn đoán phân biệt
4.2.1. Viêm họng amydan cấp do vi khuẩn
Cũng có triệu chứng sốt và đau họng, niêm mạc họng sung huyết, có thể có mủ hoặc giả mạc.
Cần làm xét nghiệm test nhanh phát hiện liên cầu (RADT: Rapid Antigen Detection Test): nếu RADT dương tính kết hợp với lâm sàng nghi ngờ cần điều trị theo phác đồ điều trị viêm họng do liên cầu.
4.2.2. Các bệnh nhiễm trùng lây khác với khởi đầu là viêm đường hô hấp trên cấp.
- Cần đánh giá yếu tố dịch tễ học (tiền sử tiêm vaccin, tiền sử tiếp xúc nguồn lây)
- Khám kĩ các cơ quan bộ phận khác (hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, tâm thần kinh…) nếu phát hiện thấy dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường (khó thở, khò khè, thay đổi tiếng tim/nhịp tim, đau bụng, li bì, lơ mơ, nôn vọt…) cần hội chẩn ngay với chuyên khoa truyền nhiễm để loại trừ các bệnh nhiễm trùng lây nguy hiểm khác (ví dụ: cúm, sởi, ho gà, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, viêm thanh quản cấp phù nề hạ thanh môn, viêm thanh khí phế quản, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, viêm não - màng não cấp do virus, viêm cơ tim cấp do virus…).
4.3. Chẩn đoán nguyên nhân
Trong viêm đường hô hấp cấp thông thường: không cần thiết phải chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh (trừ trường hợp phân biệt viêm họng amydan cấp nghi do nguyên nhân liên cầu).
-
TIÊN LƯỢNG
Viêm đường hô hấp cấp thông thường tiên lượng thường nhẹ, có thể tự khỏi, các triệu chứng sốt, đau mỏi người, chảy mũi ngạt mũi rát họng thường giảm dần sau 5 - 7 ngày; triệu chứng ho thường kéo dài hơn, có thể đến 14 ngày.
Một số ít trường hợp người bệnh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và biến chứng thành viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn, viêm VA cấp, viêm họng amyđan cấp do vi khuẩn, viêm tai giữa cấp, viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản…
-
ĐIỀU TRỊ
Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng.
- Sốt: hạ sốt (acetaminophen) nếu trên 38.5oC hoặc đau họng đau mỏi người. Kết hợp chườm ấm và bù nước điện giải bằng Oresol đường uống.
- Chảy mũi, hắt hơi: nên hút mũi/xì mũi (ở trẻ nhỏ) hoặc rửa mũi bằng NaCl0.9% ấm (trẻ lớn hoặc người lớn). Có thể sử dụng kháng histamin đường uống ngắn ngày.
- Ngạt mũi: thuốc co mạch tại chỗ dạng rỏ/xịt mũi (lưu ý chỉ dùng < 7 ngày).
- Đau họng: giảm đau acetaminophen hoặc thuốc ngậm / xịt họng có thuốc tê.
- Ho: thuốc ngậm / xịt họng hoặc thuốc tan loãng đờm đường uống.
- Nâng cao thể trạng: bổ sung vitamin đường uống.
Cần đánh giá lại người bệnh sau điều trị 5 - 7 ngày để điều chỉnh thuốc và loại trừ các trường hợp biến chứng.
-
PHÒNG BỆNH
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể, giữ gìn môi trường sống trong sạch, hạn chế ô nhiễm…
- Phòng hộ lao động tốt, tránh tiếp xúc khói bụi, bỏ thuốc lá, bỏ rượu, vệ sinh răng miệng tốt, tiêm chủng mở rộng triệt để cho trẻ em, điều trị tích cực các bệnh mũi xoang, viêm họng, viêm amiđan, VA, các bệnh mãn tính khác…
- Điều trị viêm mũi họng cấp tính đúng quy cách tránh biến chứng xảy ra…
Giờ làm việc: 24h/7
Vnđ/Phút
0 bình luận