Sản Phụ Khoa
Bật mí thông tin cần biết về chích ngừa ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý nguy hiểm. Nữ giới trong độ tuổi 9 - 26 nên chích ngừa ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý thường gặp, đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ độ tuổi 15 – 44. Chích ngừa ung thư cổ tử cung là biện pháp hàng đầu ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây của TDoctor.
Ung thư cổ tử cung - Căn bệnh thầm lặng mà nguy hiểm
Human Papilloma Virus (viết tắt HPV) là một loại virus gây u nhú ở người. Hiện nay có hơn 100 type HPV khác nhau, 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Nhưng chỉ có các tuýp 16,18 mang đến nguy cơ sinh ung thư cao nhất.
Theo các thống kê lâm sàng của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 4000 phụ nữ Việt Nam phát hiện mắc ung thư cổ tử cung. Và khoảng 2400 trong số đó tử vong vì căn bệnh này. HPV hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để giảm tỷ lệ mắc bệnh chỉ có một cách duy nhất đó là chích ngừa ung thư cổ tử cung.
Đối tượng nào nên và không nên chích ngừa ung thư cổ tử cung
Theo khuyến cáo, nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi nên chích ngừa HPV trước lần quan hệ tình dục đầu tiên để phòng ngừa bệnh. Vì đây là thời điểm vaccine tác động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi vẫn có thể chích ngừa HPV.
Không nên chích ngừa HPV nếu:
- Nhạy cảm với men hoặc bất cứ thành phần nào của vaccine.
- Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa đến nặng.
- Bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng các thuốc làm loãng máu.
- Đang có thai hoặc đang cho con bú.
- Đã nhiễm vi khuẩn HPV.
Các thông tin liên quan đến vaccine chích ngừa ung thư cổ tử cung
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp khi chích ngừa ung thư cổ tử cung:
Có cần xét nghiệm trước khi chích ngừa HPV?
Nếu chưa quan hệ tình dục, chị em có thể chích ngừa HPV mà không cần làm thêm bất kỳ xét nghiệm. Nếu đã quan hệ, nên đi khám phụ khoa để được các bác sĩ làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Tất cả các trường hơp muốn tiêm chủng nên được khám sức khỏe sàng lọc để đảm bảo an toàn khi thực hiện.
Có những loại vaccine nào?
Trên thị trường Việt Nam có 2 loại vaccine phòng HPV là Gardasil của Mỹ và Cervarix của Bỉ với một số điểm khác biệt như sau:
Vaccine Gardasil:
- Đối tượng tiêm: Phụ nữ từ 9 - 26 tuổi.
- Tác dụng: Phòng 4 tuýp HPV gồm chủng 6,11,16 và 18. Vaccine Gardasil giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, mụn cóc sinh dục, ung thư âm đạo và ung thư hậu môn.
- Liều tiêm: 3 mũi. Mũi 1 - ngày tiêm mũi đầu tiên. Mũi 2 - 2 tháng kể từ sau mũi đầu tiên. Mũi 3 - 6 tháng kể từ khi tiêm mũi đầu tiên.
Vaccine Cervarix:
- Đối tượng tiêm: Phụ nữ từ 10 - 25 tuổi.
- Tác dụng: Phòng 2 tuýp HPV gồm chủng 16 và 18. Vaccine Cervarix giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Liều tiêm: 3 mũi. Mũi 1 - ngày tiêm mũi đầu tiên. Mũi 2 - 1 tháng kể từ sau mũi đầu tiên. Mũi 3 - 6 tháng kể từ khi tiêm mũi đầu tiên.
Có tác dụng phụ thường gặp nào sau chích ngừa ung thư cổ tử cung?
Chích ngừa HPV đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới và rất an toàn. Tuy vậy, khi tiêm chủng, loại vaccine này cũng có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn như:
- Đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm.
- Sốt nhẹ.
- Đau đầu, hoa mắt, mệt mỏi.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Ngất xỉu.
Tuy nhiên, các tác dụng phụ này rất hiếm gặp, chị em không nên quá lo lắng. Nếu có gặp phải, các dấu hiệu này cũng sẽ biến mất nhanh chóng sau một vài ngày nghỉ ngơi. Vaccine HPV ít gây tác dụng không mong muốn ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ.
Trong thời gian chích ngừa HPV có được quan hệ không?
Hiện nay, chưa có khuyến cáo nào về việc không được quan hệ tình dục trong thời gian chích ngừa HPV. Có nghĩa là trong quá trình tiêm chủng, nếu sức khỏe cho phép, bạn đọc vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên, nếu muốn mang thai, chị em nên đợi sau khi hoàn thành tiêm chủng, tốt nhất là 3 tháng sau liều tiêm cuối cùng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, chích ngừa ung thư cổ tử cung không có nghĩa là đã loại bỏ 100% nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, bên cạnh việc tiêm đúng lịch định kỳ, chị em cần kết hợp khám phụ khoa, tầm soát ung thư định kỳ tối thiểu 1 năm/lần để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp phải. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, mời chị em liên hệ với các bác sĩ của TDoctor để được giải đáp!
0 bình luận