Câu hỏi thường gặp

ĐAU LƯNG - THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG VÀ COVID 19 – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT.

2021-08-04 01:08:15

Với tình hình Covid 19 đang lan rộng và diễn tiến hết sức phức tạp như hiện nay thì quý bệnh nhân sẽ gặp hết sức khó khăn trong việc đi khám hay tái khám các bệnh lý liên quan đến cột sống mà phổ biến nhất là đau lưng do thoái hoá cột sống lưng, thậm chí một số bệnh nhân không may bị phơi nhiễm và nhiễm trở thành F1 F0 cách ly dài ngày trong khu cách ly. Vậy quý bệnh nhân sẽ có hướng xử trí như thế nào, khi rơi vào hoàn cảnh như vậy? Trong phạm vi bài viết này sẽ giúp quý bệnh nhân hiểu hơn về bệnh lý thoái hoá cột sống, để có thái độ an tâm và bình tĩnh hơn trong giai đoạn khó khăn này.

   ĐAU LƯNG - THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG VÀ COVID 19 – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT. ĐAU LƯNG - THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG VÀ COVID 19 – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT.

Thoái hoá cột sống là gì?

 

Thoái hóa cột sống thắt lưng là tình trạng thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, dây chằng bao khớp, bệnh lý mạn tính này tiến triển từ từ tăng dần gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống thắt lưng. Thoái hóa cột sống thắt lưng ít khi diễn ra một cách đơn thuần, đa phần kết hợp với thoái hóa đĩa đệm cột sống, có thể thoát vị đĩa đệm cột sống và ở người có tuổi, thường phối hợp với loãng xương, lún xẹp đốt sống do loãng xương.

 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ?

 

Thoái hóa cột sống là hậu quả tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp và đĩa đệm lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm dẫn đến sự tổn thương sụn khớp, phần xương dưới sụn, mất tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng bao khớp tạo nên những triệu chứng và biến chứng trong thoái hóa cột sống. Tình trạng này chịu tác động bởi nhiều yếu tố: tuổi cao, giới tính; nghề nghiệp lao động nặng; một số yếu tố khác như: tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ vùng cột sống, do di truyền hay do tư thế làm việc… Thoái hóa cột sống thắt lưng tiến triển nặng dần theo tuổi và một số yếu tố nguy cơ như: mang vác nặng ở tư thế cột sống xấu

 

Triệu chứng gợi ý bạn bị thoái hoá cột sống?

 

Bệnh nhân đau khu trú tại cột sống, một số trường hợp đau lan theo dây thần kinh và có biểu hiện đau cách hồi thần kinh toạ, đau khi đi lại và nghỉ ngơi thì hết đau. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu cứng cột sống vào buổi sáng. Đau cột sống âm ỉ và có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi). Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bệnh nhân có thể cảm thấy tiếng lục khục khi cử động cột sống.

Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử kĩ càng và thăm khám lâm sàng một cách cẩn thận. Sau đó các xét nghiệm cận lâm sàng có thể được đưa ra để hỗ trợ chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác:

 

- X quang thường quy cột sống thẳng, nghiêng, chếch ¾ hai bên phải trái

- Chụp cộng hưởng từ cột sống: chỉ định trong trường hợp có thoát vị đĩa đệm

- Chụp CT scan

- Các xét nghiệm huyết học

- Đo điện cơ

- Xét nghiệm khác

- Cần chẩn đoán phân biệt thoái hoá cột sống với các bệnh lý: viêm cột sống dính khớp, viêm đốt sống đĩa đệm (do nhiễm khuẩn hoặc do lao), ung thư di căn xương

 

Điều trị thoái hoá cột sống thắt lưng như thế nào?

 

- Sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, giãn cơ... kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm như Glucosamine và Chondroitin, thuốc ức chế IL1: Diacerhein…

- Nên phối hợp các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như các bài tập thể dục tăng cường sức mạnh nhóm cơ cột sống,và các phương pháp khác…

- Chỉ định điều trị ngoại khoa khi thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài, hoặc có hẹp ống sống với các dấu hiệu thần kinh tiến triển nặng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không kết quả.

 

Phòng bệnh?

 

- Theo dõi và phát hiện sớm các dị tật cột sống để điều trị kịp thời.

- Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống, sửa chữa các tư thế xấu khi làm việc hay học tập

- Định hướng nghề nghiệp thích hợp với tình trạng bệnh, kiểm tra định kỳ những người lao động nặng (khám phát hiện triệu chứng, chụp Xquang cột sống khi cần...)

 

VẬY CẦN PHẢI LÀM GÌ KHI ĐAU LƯNG - THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG TRONG GIAI ĐOẠN HẾT SỨC KHÓ KHĂN NÀY?

 

Như đã trình bày bên trên, quý bệnh nhân có thể thấy rằng bệnh lý thoái hoá cột sống là bệnh lý mạn tính, diễn tiến trong một thời gian dài, mà quá trình lão hoá – thoái hoá là quy luật chung của cơ thể con người. Vì thế  quý bệnh nhân cần bình tĩnh và tránh hoảng loạn lo lắng quá mức, để tránh ảnh hưởng đến các vấn đề sức khoẻ khác, đặc biệt khi quý bệnh nhân đang là F1 hay F0.

Đau lưng – thoái hoá cột sống thắt lưng hầu như đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị đơn giản và có thể  an tâm tự điều trị - luyện tập ngay tại nhà, rồi đến khi tình hình ổn định lại, quý bệnh nhân nên đi đến khám bệnh trực tiếp để được chẩn đoán và điều trị theo phương pháp tốt nhất.

 

Việc điều trị tại nhà hay tại khu cách ly có thể theo các bước sau:

 

- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn và cần hạn chế ngồi lâu hay đứng lâu, khuyên nên thay đổi tư thế làm việc mỗi 45 phút

- Tránh các tư thế xấu gây đau lưng khi sử dụng máy tính, điện thoại di động, xem tivi

- Không nên bôi dầu đắp thuốc… vì có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn

- Kiểm soát cân nặng, tránh tăng cân quá mức. Vì tăng cân sẽ gây ra rất nhiều vấn đề ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, không chỉ riêng ảnh hưởng đến cột sống như thoái hoá khớp gối, thoái hoá khớp cổ chân hay các bệnh lý tim mạch…

- Có thể đeo đai thắt lưng nếu có sẵn

- Về vấn đề dùng thuốc, quý bệnh nhân có thể giảm đau bằng uống Paracetamol 500mg 4 lần 1 ngày: sáng – trưa – chiều hoặc thêm 1 liều buổi tối trước khi đi ngủ, hoặc liều 10-15mg/kg/liều -các liều cách nhau 4-6 giờ. Nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng thuốc và nếu quý bệnh nhân có các vấn đề về nội khoa như bệnh lý gan thận thì nên tham vấn BS chuyên khoa.

- Khi vấn đề đau đã được kiểm soát và thuyên giảm, thì các bài tập thể dục tăng cường sức mạnh cho vùng lưng nên được thực hiện và duy trì hằng ngày.

 

Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không kiểm soát được cơn đau hoặc có bất kì thắc mắc nào liên quan đến bệnh lý hay tình trạng sức khoẻ, quý bệnh nhân  có thể liên hệ trực tiếp với BS để khám trực tuyến hoặc đến BV để thăm khám. Chúc quý bệnh nhân và gia đình bình an.

0 bình luận

Gửi ý kiến bình luận
Xem thêm
Rất hữu ích Rất hữu ích
Hữu ích Hữu ích
Bình thường Bình thường

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe

hãy liên hệ với Tdoctor thông qua cách thức đặt câu hỏi trực tuyến Tại đây.
Hoặc mời bạn liên hệ qua Hotline/ Zalo: Zalo: 0393.167.234 hay có thể tìm bác sĩ tại đây
Trân trọng.

Whoops, looks like something went wrong.