Tóm tắt bệnh Hẹp bao quy đầu

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Phimosis

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không có khả năng tuột xuống khỏi quy đầu của dương vật, ngay cả khi dương vật cương cứng, khiến việc vệ sinh gặp khó khăn, dễ dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí có thể gây ra ung thư dương vật. Hẹp bao quy đầu có thể do bẩm sinh nhưng cũng có thể do nhiễm trùng, vệ sinh kém hoặc chấn thương lỗ trong bao quy đầu, gây ra sẹo ở bao quy đầu.

Triệu chứng

Hẹp bao quy đầu thường không gây đau. Tuy nhiên, nếu dẫn đến tình trạng không thể đi tiểu, người bệnh có thể bị đau bụng và khó chịu.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Điều trị

Bôi thuốc mỡ Corticosteroid, cắt bao quy đầu.

Tổng quan bệnh Hẹp bao quy đầu

1. Định nghĩa

Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu không thể tuột khỏi quy đầu của dương vật ngay cả khi dương vật cương cứng khiến việc vệ sinh gặp khó khăn, dễ dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí có thể gây ra ung thư dương vật.

Hẹp bao quy đầu còn gây ra tình trạng nghẹt da quy đầu, thường xảy ra khi bao da quy đầu sau khi kéo ngược ra sau không lấy trở lại được. Cần lưu ý khi tuột da bao quy đầu ở trẻ, vì da bao quy đầu phải được tuột ra từ từ.

Chứng hẹp bao quy đầu thường không phải là vấn đề trầm trọng, tuy nhiên dễ gây ra viêm nhiễm, ảnh hưởng tới dương vật và  sức khỏe chung. Chẳng hạn, tình trạng nghẹt da bao quy đầu có thể cản trở sự tuần hoàn máu đến đầu dương vật.

2. Phân loại

Hẹp bao quy đầu được chia làm 3 dạng cơ bản:

  • Hẹp bao quy đầu hoàn toàn: Là hiện tượng da quy đầu dương vật không kéo xuống được ngay cả khi cương cứng. Phần lớn các bé trai sinh ra đều bị hẹp, khi lớn lên quy đầu sẽ tự tuột ra. Trong trường hợp da quy đầu không tự tuột, nam giới nên đến cơ sở y tế uy tín để khám và nếu cần thiết sẽ được cắt bao quy đầu.

  • Hẹp bao quy đầu không hoàn toàn (bán hẹp): Bệnh nhân có thể lộn da bao quy đầu lên được nhưng có cảm giác co thắt khi cương cứng.

  • Dính bao quy đầu: thường gặp ở trẻ nhỏ (từ 1-13 tuổi): Da quy đầu ở trẻ lộn lên không hoàn toàn. Trường hợp này chỉ cần nong bao quy đầu tại cơ sở y tế, không cần phải phẫu thuật cắt bao quy đầu. Tốt nhất, để phòng ngừa chứng hẹp bao quy đầu ở trẻ nhỏ, mỗi khi tắm cho con, bố mẹ nên lộn bao quy đầu để vệ sinh sạch sẽ.

Các triệu chứng hẹp bao quy đầu thường là tình trạng đỏ, sưng, sờ vào thấy đau. Tất cả các trường hợp hẹp bao quy đầu đều cần phẫu thuật để cắt bao quy đầu. Nếu chưa cắt mà bị viêm thì phải điều trị bằng kháng sinh. Hẹp bao quy đầu làm cho đau khi dương vật cương cứng, có khi còn không cương được, nghĩa là dương vật không thể dài và nở lớn được khiến khó hoặc không thể giao hợp. Chỉ bằng phẫu thuật mới giải quyết được vấn đề.

Điều trị bệnh

Hẹp bao quy đầu ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận và gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này, cũng có thể dẫn đến ung thư dương vật.

Giải pháp tốt cho điều trị hẹp bao quy đầu hiện nay rất đơn giản và hiệu quả:

  • Đối với trẻ dưới 5 tuổi thường dùng thuốc bôi tại chỗ, có Corticosteroid với hàm lượng 0,1% Dexamethasone, bôi lên bao quy đầu, 3 lần/ngày trong thời gian 6 tuần, dưới tác dụng của Corticosteroid, bao quy đầu giãn ra và tuột xuống được.

  • Đối với trẻ trên 6 tuổi mà bao quy đầu chưa tuột ra và đã bôi thuốc mà không kết quả, kể cả người lớn, kèm theo mỗi lần đi tiểu có hiện tượng bao quy đầu căng phồng như bong bóng hay thường bị viêm bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Ngày nay, nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, laser kỹ thuật cao ra đời, phẫu thuật cắt bao quy đầu trở nên đơn giản, không gây chảy máu, ít đau, chỉ cần gây tê tại chỗ, sau mổ không cần cắt chỉ, thời gian phẫu thuật khoảng 15-20 phút, không phải nhập viện. Sau mổ người bệnh nghỉ ngơi tại chỗ vài chục phút rồi ra về, tự chăm sóc hậu phẫu, lành sau khoảng 1 tuần.

Các câu hỏi liên quan bệnh Hẹp bao quy đầu