Tóm tắt bệnh Hội chứng đột tử về đêm (Hội chứng Brugada)

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Hội chứng chết đột ngột về đêm
  • Sudden Unexpected Death Syndrome
  • SUNDS
  • Lai Tai
  • Bangungut
  • Pokkuri

Đột tử về đêm (hội chứng Brugada) là hội chứng rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng có thể có tính di truyền. Những người có hội chứng Brugada có nguy cơ gia tăng nhịp thất. Nhiều người có hội chứng Brugada không có bất kỳ triệu chứng nào và do đó không biết gì về tình trạng của mình. Dấu hiệu bất thường - được gọi là Brugada ECG loại 1 - được phát hiện bởi kiểm tra điện tâm đồ (ECG). Hội chứng Brugada phổ biến hơn ở nam giới. Hội chứng Brugada có thể điều trị bằng các biện pháp phòng ngừa như thuốc tránh tăng nặng triệu chứng, giảm sốt và cấy máy khử rung tim (ICD).

Triệu chứng

Khó có thể cảm nhận dấu hiệu Brugada vì nó chỉ được phát hiện trên điện tâm đồ. Triệu chứng cho thấy bạn có thể có hội chứng Brugada bao gồm: ngất, nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực, ngưng tim (tim ngừng đập đột ngột).

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Điện tâm đồ (ECG), kiểm tra điện sinh (EP).

  • Xét nghiệm di truyền.

Điều trị

Điều trị bằng các biện pháp phòng ngừa như thuốc tránh tăng nặng triệu chứng, giảm sốt và cấy máy khử rung tim (ICD).

Tổng quan bệnh Hội chứng đột tử về đêm (Hội chứng Brugada)

Vào những năm 1980, đột tử về đêm không giải thích được là một hội chứng có tần suất cao ở các nước Đông Nam Á... Người ta phát hiện những người đàn ông trẻ di cư từ các nước Đông Nam Á sang Mỹ bị chết đột ngột trong lúc ngủ nhưng trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh tim thực thể. Sau đó, ở đầu thập niên 1990, bệnh này được mô tả ở Thái Lan, Philippines, Nhật Bản... Do đó bệnh lý này có tên là Lai Tai theo tiếng Thái hoặc Bangungut theo tiếng Philippines hoặc Pokkuri theo tiếng Nhật Bản, đều mang nghĩa là chết đột ngột khi ngủ đêm.

Hội chứng này được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người đàn ông trẻ ở Thái Lan và là thách thức lớn đối với nền y tế và xã hội nước này.

Nguyên nhân tử vong chính là rung thất nhưng không có tiền triệu, không có yếu tố thúc đẩy và bệnh lý thực thể tại tim. Có rất nhiều nghiên cứu về căn nguyên của rung thất ở các bệnh nhân này, nhưng năm 1992 Brugada P. và Brugada J. là tác giả đầu tiên mô tả 8 bệnh nhân đột tử và có biểu hiện rất giống nhau trên điện tâm đồ được gọi là hội chứng Brugada.

Năm 1998, bệnh này được giải thích cơ chế bệnh sinh và đề xuất cách điều trị tốt nhất. Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng đột tử về đêm xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, có biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng giống nhau và không giới hạn ở một vùng địa lí nào.

Định nghĩa: Hội chứng Brugada là hội chứng bao gồm: blốc nhánh phải có ST chênh lên V1V2V3 trên điện tâm đồ, không có bệnh tim thực thể, trong bối cảnh có nguy cơ đột tử hoặc ngất.

Điều trị bệnh

Bệnh nhân có ST chênh lên V1 đến V3 và block nhánh phải đều có thể có nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim.

Những bệnh nhân có hiện tượng ngất hay trải qua những lần đột tử được cứu sống có nguy cơ rung thất tái phát cao hơn 34%. Nếu bệnh nhân được phát hiện tình cờ qua điện tâm đồ thì tỷ lệ xuất hiện loạn nhịp là 27%. Cần đánh giá chính xác những bệnh nhân không có triệu chứng và tầm soát người nhà bệnh nhân ngưng tim được cứu sống để điều trị kịp thời.

Dùng thuốc chống loạn nhịp (Amiodarone, ức chế bêta) là không hiệu quả vì không phòng ngừa hay ngăn chặn được sự phát triển của rối loạn nhịp thất hay rung thất.

Một thiết bị y tế được dùng gọi là máy khử rung tim có thể được cấy vào người bệnh nhân. Cấy thiết bị thường được khuyến cáo cho những người có nguy cơ cao bị ngưng tim đột ngột hoặc các biến chứng khác của hội chứng Brugada.

Cấy máy khử rung tim (ICD):

Thiết bị nhỏ này liên tục theo dõi nhịp tim của bạn và cung cấp những cú sốc điện khi cần thiết để dập tắt cơn loạn nhịp và điều chỉnh cho tim đập lại bình thường.

Máy khử rung tim có thể gây ra các biến chứng, đe dọa đến tính mạng. Do đó, cần cân nhắc những lợi ích và rủi ro trước khi quyết định cấy máy khử rung tim. Ở một số bệnh nhân, máy khử rung tim có thể phát ra những cú sốc ngay cả khi nhịp tim của họ vẫn bình thường, gây ra đau đớn không cần thiết cho bệnh nhân. Điều này có thể do nhiều người cấy máy khử rung tim là người trẻ, và họ có thể nhận được những cú sốc khi nhịp tim của họ tăng trong điều kiện bình thường, chẳng hạn như tập thể dục, nhưng máy khử rung tim không nhận biết được điều đó.

Vì vậy, bác sĩ sẽ lập trình máy khử rung tim phù hợp với thể trạng của từng bệnh nhân để giảm nguy cơ này. Vì vậy, cần nói chuyện với bác sĩ cách để tránh những cú sốc không thích hợp.

Các câu hỏi liên quan bệnh Hội chứng đột tử về đêm (Hội chứng Brugada)