Phân su là chất thải từ đường tiêu hóa của thai nhi, có màu xanh đen, quánh, không mùi và vô trùng. Hít ối phân su là tình trạng trẻ hít nước ối có chứa phân su làm cho đường thở bị tắt nghẽn một phần hay hoàn toàn. Hội chứng này khiến trẻ rơi vào suy hô hấp cấp, thường gặp trước, trong và ngay cả sau khi sinh. Mức độ của tình trạng này còn tùy thuộc vào lượng phân su mà trẻ hít vào và bệnh lý nền có thể mắc phải của trẻ như nhiễm trùng bào thai hay bị các bệnh bẩm sinh và dị tật. Các yếu tố làm tăng khả năng mắc phải rối loạn này: Mang thai ngoài 40 tuần tuổi thai, sinh nở khó khăn, bà mẹ có huyết áp cao và các bà mẹ bị tiểu đường.
Trẻ sinh ra thường có tầm vóc to, người phủ đầy phân su, miệng hầu đầy nước ối phân su. Biểu hiện suy hô hấp: Thở nhanh, thở khó, rên rỉ, tím tái, ngưng thở... Nhịp tim chậm. Giảm trương lực cơ. Trẻ có thể ngạt nặng, chết lâm sàng.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Trước khi sinh, hình ảnh của thai nhi có thể hiển thị các vấn đề với nhịp tim và nhịp tim chậm. Khi sinh ra, phân su có thể được nhìn thấy trong nước ối, và các bác sĩ có thể xác định phân su ở dây thanh bằng cách sử dụng kính soi thanh quản. Chụp X-quang ngực có thể giúp phát hiện ra tình trạng viêm và tăng chất lỏng trong phổi.
Điều trị là nhằm mục đích loại bỏ các phân su càng sớm càng tốt và điều trị bất kỳ tổn thương phổi nếu có. Theo một số khuyến cáo gần đây, trẻ sinh ra có hít ối phân su tuy biểu hiện lâm sàng tốt vẫn phải được theo dõi sát trong 24 giờ đầu vì những biểu hiện nặng có thể xảy ra sau đó trong khoảng 20 - 30% các trường hợp. Trẻ sẽ được hút sạch dịch ối phân su hầu họng và theo dõi về nhịp tim, nhịp thở và oxy trong máu... Sau đó, trẻ được tiếp tục điều trị đặc biệt, bao gồm: thở Oxy hoặc thở máy, truyền dịch và kháng sinh.