Tóm tắt bệnh Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Rối loạn tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý là một chứng bệnh tâm lý thường gặp ở một số trẻ em có biểu hiện hiếu động hơn bình thường đi kèm giảm khả năng tập trung chú ý.Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người. Lứa tuổi hay mắc là từ 8 đến 11, trẻ trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần trẻ gái, khi trưởng thành bệnh có xu hướng giảm.

Triệu chứng

Triệu chứng giảm chú ý:

  • Không thể tập trung chú ý;

  • Khó khăn trong việc duy trì sự tập trung chú ý;

  • Lơ đễnh, không lắng nghe người khác nói;

  • Không theo những sự hướng dẫn và không hoàn thành những công việc được giao;

  • Khó khăn trong tổ chức, sắp xếp hoạt động, việc làm, ý nghĩ;

  • Tránh những công việc yêu cầu sự làm việc trí óc lâu dài;

  • Hay làm mất các đồ vật;

  • Dễ bị phân tán tư tưởng;

  • Hay quên.

 

Triệu chứng tăng động:

  • Bồn chồn, sốt ruột, ngọ nguậy liên tục không ở yên một chỗ;

  • Khó có thể ngồi lâu một chỗ ;

  • Chạy nhảy, leo trèo luôn chân ở khắp nơi;

  • Khó tham gia vào các hoạt động một cách yên lặng;

  • Hành động như bị điều khiển bởi “động cơ mô tô”;

  • Nói liên tục;

  • Buột câu trả lời trước khi người hỏi chấm dứt câu hỏi;

  • Ngắt lời, cướp lời người khác;

  • Gặp khó khăn khi phải chờ lượt.

Chẩn đoán

Để thiết lập chẩn đoán trẻ bị mắc chứng tăng động giảm chú ý trẻ phải có ít nhất 6 triệu chứng trong 1 nhóm biểu hiện thường xuyên, gây trở ngại cho các hoạt động chức năng thường ngày trong tối thiểu là 6 tháng. Đối với người lớn, số lượng triệu chứng để chẩn đoán là 5. 

Tổng quan bệnh Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

Hiểu biết về tăng động giảm chú ý (ADHD)

Hầu hết trẻ em bình thường vẫn có những lúc có những hành vi bột phát, nằm ngoài sự kiểm soát. Ví dụ: chúng có thể đột nhiên chạy quanh thật nhanh, liên tục như một 'động cơ mô tô', gây nên những tiếng ồn không nghỉ, không bình tĩnh đợi đến lượt của mình trong các tương tác, hay xô đổ các vật xung quanh... Vào những lúc khác, chúng có thể mơ màng, đãng trí, không thể tập trung vào việc mình đang làm, hoặc không hoàn thành một công việc đang dang dở.

Tuy nhiên, đối với một vài trẻ, những hành vi như thế này đã trở thành những hành vi mang tính thường xuyên, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Nó ảnh hưởng tới khả năng học tập và cuộc sống bình thường của chúng.

Những đứa trẻ mắc chứng ADHD thường gặp rắc rối trong quan hệ với anh chị em trong gia đình và với cả những trẻ khác ở trường, hàng xóm, hay ở những nơi sinh hoạt công cộng. Những trẻ có vấn đề về khả năng tập trung chú ý thường đi liền với việc gặp khó khăn trong học tập. Sự thôi thúc, hấp tấp không cưỡng lại được (một đặc trưng của chứng ADHD) có thể làm chúng gặp những rắc rối, hay nguy hiểm cho bản thân, bởi những đứa trẻ mắc chứng ADHD gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi bản thân. Chúng thường bị cho là 'những đứa trẻ hư' hay 'những đứa trẻ xấu'.

ADHD không chỉ là hội chứng ảnh hưởng trực tiếp tới những trẻ mắc phải mà còn ảnh hưởng đến những người sống xung quanh chúng. Nếu không chữa trị kịp thời ngay khi phát hiện ra hội chứng này thì những triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ phát triển và dẫn đến những vấn đề trầm trọng khác, ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ, như kết quả học tập yếu kém ở trường, gặp rắc rối với pháp luật, thất bại trong các mối quan hệ, tương tác xã hội và mất khả năng duy trì công việc.

ADHD là gì?

Là sự rối loạn chức năng hoạt động - hiếu động thái quá và giảm khả năng tập trung chú ý.

Là một hội chứng của não, gây khó khăn cho trẻ và người lớn trong việc kiểm soát những hành vi cá nhân. Đây là một trong những hội chứng mạn tính (kinh niên) phổ biến nhất thường mắc phải ở thời thơ ấu. Hiện nay ADHD ảnh hưởng tới khoảng 4 - 12% trẻ trong độ tuổi đến trường, với tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn từ 3 - 4 lần ở bé gái.

Trẻ mắc hội chứng ADHD thường cảm thấy cô đơn, không thể tạo lập và duy trì các mối quan hệ bạn bè hay tham gia vào các hoạt động tập thể như các hoạt động thể thao... Thành tích học tập của chúng ở trường cũng bị ảnh hưởng.

Những vấn đề liên quan tới hội chứng ADHD có thể tiếp tục xảy ra khi trẻ vào độ tuổi thanh thiếu niên và cả khi trưởng thành.

Bên cạnh những trẻ may mắn được chẩn đoán và điều trị sớm thì vẫn còn rất nhiều trẻ khác không được gia đình nhận biết sớm để có sự can thiệp và chăm sóc thích hợp.

Điều trị bệnh

Để chữa trị chứng bệnh này đòi hỏi một chế độ điều trị đa phương diện.

Thuốc: liệu pháp chủ đạo nhằm điều chỉnh hành vi, cải thiện một phần khả năng tập trung. Các loại thuốc chủ yếu là Stratera (loại thuốc được FDA của Hoa Kỳ cấp phép cho sử dụng trong việc điều trị ADHD), Rispedal (thường được dùng trong trường hợp trẻ có kèm các hành vi chống đối)...

Bên cạnh đó thì một liệu pháp tâm lý được chỉ định bởi thầy thuốc cũng mang tính bổ trợ nhằm giúp trẻ điều chỉnh các hành vi.

  • Liệu pháp hành vi: Nhằm hạn chế các hành vi không thích hợp bằng các kỹ thuật trị liệu tại các cơ sở tâm lý (cơ sở ở đây là các bệnh viện có chuyên khoa tâm lý, tâm thần nhi, các phòng khám tâm lý - tâm thần nhi; phụ huynh cần phân biệt việc trị liệu tâm lý bằng các liệu pháp tâm lý chuyên biệt phải do các kỹ thuật viên tâm lý được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực tâm lý trị liệu thực hiện dưới sự chỉ định và giám sát của bác sỹ chuyên khoa nhi, điều này khác với việc đưa trẻ đến một trung tâm tâm lý với hoạt động tư vấn tâm lý thông thường).

  • Phục hồi hành vi tâm thần vận động.

  • Điều trị bổ trợ, biến chứng và bệnh đi kèm. Thay đổi môi trường và các yếu tố bất lợi đối với trẻ.

  • Trị liệu nhóm: Tạo ra nhóm gồm 4 - 5 em để hoạt động dưới dạng trò chơi trị liệu.

  • Liệu pháp giáo dục tư vấn: Giúp các phụ huynh nhận biết, có thái độ đúng đối với trẻ mắc bệnh cũng như hiệu quả điều trị.

  • Hỗ trợ tâm lý học đường: Trẻ ADHD phải được giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ. Về điều trị, trẻ mắc chứng tăng động cần phối hợp điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý phù hợp được sự chỉ định, giám sát của bác sỹ phụ trách và do các kỹ thuật viên tâm lý được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực tâm lý trị liệu thực hiện tác động trên trẻ.

Các câu hỏi liên quan bệnh Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)