Tóm tắt bệnh Loét tiêu hóa

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Peptic Ulcer Disease
  • Viêm loét đường tiêu hóa
  • PUD
  • Ulcus pepticum

Loét đường tiêu hóa là sự hình thành một lỗ trên lớp niêm mạc lót bên trong dạ dày, tá tràng hoặc thực quản, tùy vị trí mà ta có loét dạ dày, loét tá tràng và loét thực quản. Loét xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong các cơ quan này bị mòn đi bởi dịch tiêu hóa có tính a-xít do tế bào dạ dày tiết ra.

Triệu chứng

  • Vết loét nhỏ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

  • Một số vết loét có thể gây chảy máu nghiêm trọng.

  • Đau bụng là triệu chứng phổ biến.

  • Các triệu chứng khác bao gồm: Đầy bụng, uống nhiều chất lỏng hơn bình thường, đói, cảm giác rỗng dạ dày, thường xảy ra 1-3 giờ sau bữa ăn, buồn nôn nhẹ, nôn mửa, phân có máu đen, tức ngực, mệt mỏi, sút cân.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể. Nội soi đường tiêu hóa trên (EGD).

  • Các xét nghiệm tìm vi khuẩn H.Pylori.

  • Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ Hemoglobin để xác định tình trạng thiếu máu.

  • Xét nghiệm phân để kiểm tra máu trong phân.

  • Chụp X-quang cản quang đường tiêu hóa trên với Barium.

Điều trị

  • Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn H.Pylori (nếu có). Điều trị chuẩn sử dụng kết hợp các loại thuốc sau đây cho 7- 14 ngày: thuốc ức chế bơm Proton như Omeprazole (Prilosec), Lansoprazole (Prevacid), hoặc Esomeprazole (Nexium) và Bismuth (thành phần chính trong Pepto- Bismol) có thể được thêm vào để giúp tiêu diệt vi khuẩn.

  • Giảm nồng độ a-xít trong dạ dày.

  • Thay đổi lối sống (không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, đồ cay nóng,...).

  • Nếu vết loét không do H.Pylori (loét do dùng thuốc Aspirin hoặc các NSAIDs,...), bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc ức chế bơm Proton trong 8 tuần. Nếu phải tiếp tục dùng thuốc Aspirin hoặc các NSAIDs, các loại thuốc khác được sử dụng cho loét là: Misoprostol giúp ngăn ngừa các vết loét ở những người dùng NSAIDs thường xuyên, thuốc bảo vệ niêm mạc (như Sucralfat).

  • Nếu loét dạ dày gây chảy máu nhiều, các phương pháp được sử dụng để cầm máu bao gồm: Tiêm thuốc vào vết loét, kẹp kim loại các vết loét.

  • Phẫu thuật có thể cần thiết.

Tổng quan bệnh Loét tiêu hóa

  • Loét đường tiêu hóa là sự hình thành một lỗ trên lớp niêm mạc lót bên trong dạ dày, tá tràng hoặc thực quản. Tùy vị trí mà ta có loét dạ dày, loét tá tràng và loét thực quản. Loét xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong các cơ quan này bị mòn đi bởi dịch tiêu hóa có tính a-xít do tế bào dạ dày tiết ra.

  • Loét đường tiêu hóa là một bệnh khá phổ biến, hàng triệu người Mỹ bị bệnh này mỗi năm. Chi phí y tế trong điều trị loét đường tiêu hóa và các biến chứng của nó tốn hàng triệu USD/năm. Các tiến bộ y học gần đây đã giải thích được nhiều về cơ chế hình thành ổ loét. Ðiều này đã mở ra nhiều chọn lựa trong việc điều trị căn bệnh này.

Điều trị bệnh

Thuốc chống acid có tác dụng trung hòa a-xít trong dạ dày, một số thuốc thuộc loại này như: Maalox, Mylanta và Amphojel điều trị an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng trung hòa của những loại thuốc này thường ngắn và đòi hỏi uống thuốc thường xuyên. Các chất chống a-xít như Magiê chứa trong Maalox và Mylanta có thể gây tiêu chảy, trong khi nhôm chứa trong Amphojel có thể gây táo bón. Loét thường tái phát khi ngưng sử dụng các loại thuốc này.

Các nghiên cứu cho thấy một loại Protein trong dạ dày gọi là Histamin có tác dụng kích thích sự tiết a-xít dạ dày. Các thuốc kháng Histamin (thuốc kháng H2) được tạo ra nhằm ngăn chặn tác động của Histamin lên tế bào dạ dày, do đó làm giảm sự tiết a-xít. Một số thuốc thuộc loại này là: Cimetidine (Tagamet), Ranitidine (Zantac), Nizatidine (Axid) và Famotidine (Pepcid).

Mặc dù thuốc kháng H2 rất hiệu quả trong việc làm lành vết loét, chúng vẫn chỉ có vai trò rất giới hạn trong tiệt trừ H.Pylori nếu không phối hợp với kháng sinh. Do đó, loét thường tái phát khi ngưng sử dụng các thuốc này. Nhìn chung, các loại thuốc này dễ uống và chỉ có ít tác dụng phụ ngay cả khi sử dụng lâu dài. Chỉ một số hiếm trường hợp bệnh nhân bị nhức đầu, choáng váng, hôn mê hoặc ảo giác. Dùng Cimetidine dài ngày có thể gây liệt dương hoặc vú to.

Cả Cimetidine và Ranitidine đều ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát mức rượu của cơ thể. Những bệnh nhân uống thuốc này và uống rượu có thể có nồng độ rượu trong máu cao hơn. Những thuốc trên cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của gan với các thuốc khác như: Dilantin, Coumadin và Theophylline. Liều lượng thông thường của các loại thuốc này nên được điều chỉnh phù hợp.

Omeprazole (Prilosec) hiệu quả hơn thuốc kháng H2 trong việc ngăn chặn sự tiết a-xít. Prilosec gần như làm dạ dày ngưng tiết a-xít hoàn toàn. Mặc dù Prilosec có hiệu quả tương đương với thuốc kháng H2 trong điều trị loét dạ dày và tá tràng nhưng nó có hiệu quả hơn hẳn trong điều trị loét thực quản. Loét thực quản rất nhạy cảm dù chỉ với một lượng nhỏ a-xít. Do đó tác dụng ngăn chặn hoàn toàn sự tiết a-xít của Prilosec rất quan trọng trong làm lành loét thực quản. Ðiều thú vị là mặc dù a-xít hoàn toàn không được tiết ra, nó vẫn không ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thu thức ăn của bệnh nhân. Prilosec rất dễ uống. Với liều lớn, Prilosec có thể gây những khối u nhỏ trong ruột chuột. Tuy nhiên, chưa phát hiện được trường hợp nào xảy ra trên người ngay cả khi dùng thuốc dài ngày. Thời gian an toàn trong điều trị Prilosec dài ngày vẫn chưa được công bố chắc chắn.

Sucralfate (Carafate) và Misoprostol (Cytotec) là những chất làm vững chắc niêm mạc ruột nhằm chống lại sự tấn công của dịch tiêu hóa a-xít. Carafate bao phủ bề mặt ổ loét và kích thích làm lành vết loét. Loại thuốc này có rất ít tác dụng phụ, thường gặp nhất là táo bón và ảnh hưởng đến sự hấp thu các loại thuốc khác.

Cytotec là một chất giống Prostaglandin thường được dùng để chống lại khả năng gây loét của NSAID. Các nghiên cứu cho rằng Cytotec có thể giúp những bệnh nhân dùng NSAID lâu ngày ngăn chặn loét, tuy nhiên nó có thể gây tác dụng phụ là tiêu chảy. Cytotec cũng có thể gây sảy thai ở phụ nữ có thai và không nên dùng cho phụ nữ đang trong tuổi sinh đẻ.

Có nhiều người bị nhiễm H.Pylori mà vẫn không hề bị thương tổn hay loét. Trong những trường hợp này, việc dùng kháng sinh điều trị chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để trả lời cho câu hỏi này. Những bệnh nhân nhiễm H.Pylori bị loét nên được điều trị kết hợp với kháng sinh. Ðôi khi rất khó trong việc tiêu diệt hoàn toàn H.Pylori.

Việc điều trị đòi hỏi sự kết hợp của nhiều loại kháng sinh bên cạnh kết hợp với Prilosec, thuốc kháng H2 hoặc Pepto - Bismol. Các kháng sinh thường dùng là: Tetracycline, Amoxicillin, Metronidazole (Flagyl) và Clarithromycin (Biaxin). Tiêu diệt H.Pylori để ngăn ngừa loét tái phát (vấn đề chính của tất cả các phương thức điều trị khác). Sự loại bỏ vi khuẩn này cũng làm giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày trong tương lai. Ðiều trị bằng kháng sinh có thể gây phản ứng dị ứng, tiêu chảy và đôi khi gây viêm đại tràng do kháng sinh.

Chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy giới hạn chế độ ăn hay chế độ ăn nhạt có vai trò trong lành vết loét. Cũng chưa có sự chứng minh nào về mối quan hệ giữa bệnh loét đường tiêu hóa với rượu hoặc cà phê, tuy nhiên, do cà phê kích thích dạ dày tiết a-xít và rượu có thể gây viêm dạ dày, tốt nhất là nên giới hạn lượng rượu và cà phê uống vào.

Các câu hỏi liên quan bệnh Loét tiêu hóa

Whoops, looks like something went wrong.