Tóm tắt bệnh Nhiễm khuẩn E.coli

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Nhiễm trùng E.coli

E.coli (Escherichia Coli) là tên của một loại vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của người và động vật. Loại vi khuẩn này cũng là một nguyên nhân gây nhiễm trùng trong nước tiểu. Nhiễm E.Coli cũng có thể được phát hiện trong ruột, máu và đôi khi ở các cơ quan khác. E.coli 0157: H7 có thể gây ra hội chứng urê huyết tán huyết (HUS) dẫn đến tiêu chảy ra máu nặng, suy thận và tử vong. Nguyên nhân của căn bệnh này là do ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.

Triệu chứng

  • Tiêu chảy, tiêu chảy ra máu và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

  • Sốt.

  • Đau bụng, đau sườn.

  • Huyết áp thấp.

Chẩn đoán

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm nước tiểu (UA). Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm: mẫu phẩm máu/phân/nước tiểu để xác định vi khuẩn E.coli.

Điều trị

Dịch truyền và thuốc kháng sinh thường được chỉ định.

Tổng quan bệnh Nhiễm khuẩn E.coli

Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) sống trong ruột người và động vật, hầu hết các giống của E.coli vô hại hoặc gây bệnh trong thời gian tương đối ngắn, ví dụ như xảy ra khi khách du lịch đến các nước đang phát triển.

Các chuyên gia y tế Anh cho biết dạng vi khuẩn E.coli mới mang tên 026 có thể giết chết người bắt nguồn từ châu Âu sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe người dân Anh không kém phiên bản 0157 gây ngộ độc thức ăn chết người ở trẻ em và người già. Tuy nhiên, nó lại có khả năng lọt qua hệ thống kiểm tra tiêu chuẩn dùng để phân biệt 0157 với các loại vi khuẩn khác.

E.coli O157:H7 có thể gây ra tiêu chảy nghiêm trọng, đi ngoài ra máu hoặc đau bụng, tiếp đến là gây tổn hại nghiêm trọng hệ thống cơ quan như suy thận. Người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau khi nhiễm bệnh gần 1 tuần nhưng trẻ nhỏ và người già sức đề kháng kém dẫn đến bệnh có thể biến chứng đe dọa đến tính mạng như suy thận hay còn gọi là hội chứng tan máy gây urê huyết cao.

Vi khuẩn E.coli gây tiêu chảy có gì đặc biệt?

Nhóm bệnh do E.coli gây tiêu chảy xuất huyết đường ruột (EHEC) đã được biết từ năm 1982 khi có các vụ dịch viêm ruột xuất huyết xảy ra ở Mỹ do một tuýp huyết thanh O157:H7 gây ra mà trước đây chưa hề được xác định là căn nguyên gây bệnh đường tiêu hóa. Một số chủng E.coli trong nhóm EHEC, trong đó có E.coli O157:H7 có khả năng tiết ra độc tố Shiga được xếp vào nhóm các vi khuẩn E.coli sản xuất độc tố Shiga (STEC).

Bệnh tiêu chảy do EHEC gây ra có thể diễn biến từ thể nhẹ, phân không có máu hoặc ít máu đến thể nặng, phân toàn máu nhưng không chứa bạch cầu. Nguy hiểm hơn khi nhiễm chủng STEC có thể gây ra hội chứng tan máu suy thận cấp và các ban đỏ do thiếu tiểu cầu, đây là căn nguyên chính gây tử vong. Bệnh cảnh của hội chứng tan máu suy thận cấp được ghi nhận cả ở người lớn và trẻ em với biểu hiện thiếu máu tan huyết, giảm tiểu cầu và suy thận cấp tính tăng u-rê huyết, có thể kèm theo các rối loạn thần kinh hoặc sốt. Chủng E.coli O157:H7 là căn nguyên chủ yếu gây ra hội chứng tan máu suy thận cấp trên toàn thế giới. Khoảng 15% trẻ em và một tỷ lệ thấp hơn ở người lớn nhiễm E.coli O157:H7 tiến triển tới hội chứng này, trong đó 50% số bệnh nhân phải chạy thận và 5% tử vong.

E.coli cư ngụ ở đâu, lây truyền thế nào?

Gia súc là ổ chứa vi khuẩn quan trọng nhất, đặc biệt là loài ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Vi khuẩn cư ngụ trong đường ruột của những loài vật này và được đào thải ra môi trường qua phân của chúng. Người cũng có thể coi là ổ chứa vi khuẩn do đóng vai trò trong việc lây truyền người - người.

E.coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: Ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh. Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng, chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.coli còn lây truyền qua đường nước: do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh.

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.

Điều trị bệnh

Đối với các bệnh gây ra do E.coli O157: H7, không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Hiện nay có thể chữa trị các nhiễm trùng, làm giảm triệu chứng hoặc ngăn chặn các biến chứng.

Đối với hầu hết mọi người, biện pháp tốt nhất là nghỉ ngơi và uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước và mệt mỏi. Tránh dùng thuốc chống tiêu chảy vì điều này làm giảm hoạt động của hệ thống tiêu hóa, ngăn chặn cơ thể loại bỏ các độc tố.

Các câu hỏi liên quan bệnh Nhiễm khuẩn E.coli