Nhiễm Leptospira là một bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do xoắn khuẩn Leptospira gây nên. Trên lâm sàng, bệnh có nhiều thể khác nhau, từ nhiễm trùng không có biểu hiện lâm sàng đến bệnh tối cấp gây tử vong.
Nhiễm Leptospira biểu hiện giống như bệnh cúm với sốt đau đầu và đau cơ.
Thể nặng của nhiễm Leptospira biểu hiện vàng da viêm gan, suy chức năng thận và xuất huyết, còn gọi là Hội chứng Weil có thể tử vong.
Nguyên tắc điều trị:
Cần điều trị sớm kháng sinh Penicillin G với liều 5-10 triệu đơn vị/ngày cho người lớn và 100.000 đơn vị/kg cho trẻ em, dùng trong 10-15 ngày. Những người có dị ứng với Penicillin có thể thay bằng Doxycyclin, Ampicillin hoặc Erythromycin. Trường hợp nặng dùng Cephalosporin hoặc Quinolone.
Điều trị triệu chứng: Hồi phục nước, điện giải, trợ tim, truyền máu (nếu xuất huyết có sốc), hồi sức hô hấp và lọc ngoại thận nếu cần thiết trong các thể nặng.
Điều trị đặc hiệu
Điều trị kháng sinh nên bắt đầu sớm nhất nếu có thể.
Thể nhẹ:
Doxycycline 100mg uống 2 lần/ngày hoặc
Ampicilline 500-750mg uống 4 lần/ngày hoặc
Amoxycilline 500mg uống 4 lần/ngày
Thể trung bình và nặng:
Penicilline G 1,5-2 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch 4 lần/ngày.
Ampicilline 1g tiêm tĩnh mạch 4 lần/ngày hoặc Amoxicillin 1g tiêm tĩnh mạch 4 lần/ngày. Nếu dị ứng với Pencillin có thể thay bằng Erthromycine 500mg 4 lần/ngày.
Thời gian dùng thuốc kéo dài từ 7-10 ngày.
Một số kháng sinh mới như các Cephalosporin thế hệ 3 có tác dụng tốt với Leptospira in vitro hiện chưa có đủ dữ liệu áp dụng trên lâm sàng.
Điều trị bổ trợ
Nhiễm Leptospira thể nặng cần được theo dõi điều trị ở đơn vị hồi sức tích cực. Ngoài ra, cần bù đủ dịch bằng truyền tĩnh mạch để đảm bảo khối lượng tuần hoàn, duy trì mạch huyết áp ổn định, nếu cần có thể dùng Dobutamin, Dopamin.
Trường hợp bệnh nhân vô niệu, suy thận cần chỉ định lọc thận nhân tạo sớm khi vô niệu trên 2 ngày Ure và Kali máu tăng. Nếu suy thận còn nước tiểu và đáp ứng với điều trị lợi niệu có thể dùng lợi tiểu Furosemide, bù dịch và điều chỉnh toan huyết bằng Natribicarbonat.
Truyền máu toàn phần hoặc khối tiểu cầu trong trường hợp có xuất huyết.
Đảm bảo hô hấp bằng hút đờm dãi, thở ôxy, đặt ống nội khí quản, thở máy khi cần thiết.
Có thể dùng vitamin K, thuốc lợi mật và chống hoại tử tế bào gan.
Phần lớn nhiễm Leptospira hồi phục hoàn toàn, tử vong thường gặp ở những bệnh nhân nặng với xuất huyết trầm trọng, suy thận gan nặng, suy hô hấp, truỵ mạch, đặc biệt ở người già và phụ nữ có thai dễ bị thai chết lưu.