Tóm tắt bệnh Phong

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Hansen
  • Hủi
  • Cùi
  • Phung

Bệnh phong, còn gọi là bệnh hủi hay cùi, do vi khuẩn Hansen gây ra. Vì không có bào tử nên vi khuẩn này không lây qua vật chủ trung gian. Khi ở ngoài, nó chỉ tồn tại được 1 đến hai ngày. Phân loại bệnh phong dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Bệnh phong được chia thành 2 thể: Thể phong u (viết tắt là thể L); Thể phong củ (viết tắt là thể T) và 2 nhóm: Nhóm bất định (viết tắt là I); Nhóm trung gian hay lưỡng dạng.

Triệu chứng

Da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt. Lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn.

Chẩn đoán

Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần.

Điều trị

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Bệnh thường có các triệu chứng rất đặc trưng.

  • Xét nghiệm tìm trực khuẩn Hansen ở dịch mũi, ở da có thể được thực hiện.

  • Sinh thiết da là cần thiết cho chẩn đoán.

  • Các xét nghiệm và kiểm tra khác bao gồm: thử nhiệm phát hiện các rối loạn cảm giác (dùng kim châm thử cảm giác đau, dùng nước nóng lạnh thử cảm giác); Thử nghiệm Histamine dùng để phát hiện tổn thương dây thần kinh trung bì; Thử nghiệm mồ hôi dùng để phát hiện chứng mất mồ hôi ở các tổn thương phong.

Tổng quan bệnh Phong

Bệnh phong là bệnh có từ lâu ở Việt Nam, tên thường gọi là bệnh hủi, miền Nam gọi là bệnh cùi, miền Trung gọi là bệnh phung; và gần đây, để tránh thành kiến sai lầm, còn gọi là bệnh Hansen.

 

Từ thực tiễn điều trị bệnh phong trong gần 30 năm qua, có thể tóm tắt những đặc điểm về lây lan của bệnh như sau:

  • Bệnh phong ít lây: tỷ lệ lây lan giữa những cặp vợ chồng, trong đó 1 trong 2 người bị bệnh phong chỉ chiếm 3-6%. Đó là một thuận lợi lớn cho việc khống chế và thanh toán bệnh phong.
  • Bệnh phong lây chậm: Chu kỳ tái sinh của trực khuẩn Hansen là 12-13 ngày. Như vậy, trực khuẩn Hansen sau khi xâm nhập vào người lành phải mất một thời gian dài mới có thể nhân lên đủ số lượng gây được bệnh. Trong thực tế, thời gian ủ bệnh của bệnh phong rất dài, trung bình 2-3 năm, có trường hợp đến 20-32 năm.
  • Bệnh phong khó lây: Tỷ lệ các thể phong lây (L và B) ở Việt Nam khoảng 30%. Trực khuẩn Hansen sau khi được bài xuất ra ngoài thường chỉ sống thêm 1 ngày, đôi khi 2 ngày và hãn hữu 1 tuần, nghĩa là trong khoảng thời gian đó, phải gặp được 1 chỗ da bị lở loét, xây xát của một người lành mới có thể xâm nhập và gây bệnh. Trong lịch sử y học, các nhân viên y tế được phân công chăm sóc bệnh nhân phong, chưa một ai bị lây bệnh mặc dù không cần và không có thuốc gì phòng bệnh, ngoài cách duy nhất là giữ vệ sinh thân thể thông thường.

Phân loại bệnh phong dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh. Bệnh phong được chia thành 2 thể và 2 nhóm như sau:

  • Thể phong u (viết tắt là thể L): dát, lan tỏa, thâm nhiễm, u, thần kinh đơn thuần.
  • Thể phong củ (viết tắt là thể T): dát, củ nhỏ, củ to, thần kinh đơn thuần.
  • Nhóm bất định (viết tắt là I): dát, thần kinh đơn thuần.
  • Nhóm trung gian hay lưỡng dạng: thâm nhiễm, các tổn thương khác.

Điều trị bệnh

Điều trị bệnh phong là làm cho bệnh nhân hết mọi triệu chứng, sạch hết trực khuẩn và khỏi bệnh, không bị tàn phế, trở lại cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường; bảo vệ xã hội và cộng đồng khỏi nguy cơ lây lan.

4 loại thuốc đầu vị trong điều trị bệnh phong:

  • Sulfone gốc, tức diamino diphenyl sulfone (DDS hay dapsone), được dùng điều trị bệnh phong từ năm 1941. Tác dụng chủ yếu là kìm hãm trực khuẩn nhưng gần đây, DDS được chứng minh là có cả tác dụng diệt trực khuẩn do thuốc tác động lên chuyển hóa của trực khuẩn là cho nó đứt khúc và hóa hạt. Độc tính không đáng kể, có thể gây thiếu máu tan máu nhẹ trong những tháng đầu điều trị. Rất ít trường hợp dị ứng với DDS. Ngày nay đã thấy xuất hiện chủng M.leprae kháng DDS.

  • Rifampicine (rimactan, rifadine) diệt trực khuẩn mạnh và nhanh trong 72-96 giờ, tức là 3-4 ngày sau khi uống thuốc. Cơ chế: gây trở ngại và làm tê liệt hệ thống men ARN polymeraza của M.leprae, do đó ngăn cản sự tổng hợp protein của M.leprae. Tác dụng phụ: viêm gan, thận, tủy, xương, sốc phản vệ (hiếm thấy). Một vài trường hợp kháng rifampicine đã được thông báo.

  • Clofazimine là loại thuốc tổng hợp dẫn xuất của tactrat phendimetrazin, đã được dùng từ những năm 70 của thế kỷ 20 có tác dụng kìm hãm, về sau diệt trực khuẩn, chống viêm rất tốt, có thể dùng trong điều trị các phản ứng phong. Sau khi uống, thuốc sẽ được tích lũy trong các tế bào liên võng và từ đó sẽ được giải phóng dần. Vì vậy, phải sau 4-6 tuần uống thuốc mới bắt đầu có tác dụng và từ đó thuốc sẽ phát huy tác dụng liên tục. Tác dụng phụ: da và niêm mạc bị sẫm màu và hơi đỏ, khô và ngứa; một số rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn, mửa, ỉa chảy thường nhẹ.

  • Thioamide gồm ethionamide và prothionamide. Cả hai loại này có tác dụng diệt khuẩn. Tác dụng phụ: rối loạn gan, dạ dày, ruột. Bệnh phong có ái tính với thần kinh nên rất hay gây tàn phế. Vì vậy, trong điều trị bệnh phong, cần chú trọng kết hợp hai phần sau: Điều trị bằng thuốc với chế độ phối hợp nhiều loại thuốc và liệu pháp vận động nhằm đề phòng và chữa tàn phế.

Các câu hỏi liên quan bệnh Phong