Tóm tắt bệnh Rối loạn trí nhớ

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Đãng trí

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Các loại rối loạn trí nhớ bao gồm:

  • Giảm nhớ (hypomnesie), 

  • Tăng nhớ (hypermnésine),

  •  Mất trí nhớ (amnésie), 

  • Loạn nhớ (Paramnésie), 

  • Nhớ nhầm (Kriptomnésie), 

  • Nhớ đang sống trong dĩ vãng (Ecmnésie),

  • Hội chứng Korsacov.

Triệu chứng

Triệu chứng tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ nhưng bao gồm: Giảm nhớ (giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ kí ức), tăng nhớ (hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác), mất nhớ (trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ), loạn nhớ (thay đổi bệnh lý về chất lượng, thuộc tính của quá trình nhớ).

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Các kiểm tra sẽ được thực hiện để loại trừ đột quỵ, nhiễm trùng, khối u não hay vấn đề trao đổi chất.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán bệnh.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

Điều trị

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào dạng rối loạn trí nhớ và nguyên nhân gây ra bệnh.

Tổng quan bệnh Rối loạn trí nhớ

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Như vậy, tri thức không phản ánh những cái đang tác động mà là những cái đã qua, đã trở thành kinh nghiệm, kiến thức của con người.Cơ sở sinh lý thần kinh của trí nhớ là sự hình thành, giữ lại và gợi lại những đường liên hệ thần kinh tạm thời. Những đường này được củng cố vững chắc được lặp đi, lặp lại nhiều lần.

Phân loại rối loạn trí nhớ:

  • Giảm nhớ (hypomnesie)
    Là sự suy yếu các quá trình của trí nhớ. Thường những sự việc mới xảy ra khó nhớ hơn những sự việc cũ (định luật Ribot). Biểu hiện sớm nhất là hiện tượng suy yếu khả năng tái hiện. Gặp trong loạn thần tuổi già, suy nhược thần kinh...
  • Tăng nhớ (hypermnésine)
    Nhớ lại những sự việc rất cũ, ngay cả những sự việc không có ý nghĩa hay những chi tiết vụn vặt tưởng không thể nhớ được. Ở đây chủ yếu là nhớ theo kiểu liên hệ máy móc. Thường gặp nhất trong trạng thái hưng cảm, say rượu bệnh lý, sốt nhiễm khuẩn...
  • Mất trí nhớ hay quên (amnésie):

    • Theo sự việc, chia ra:

      • Quên toàn bộ: Quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi lĩnh vực. Gặp trong trí tuệ sa sút nặng.

      • Quên từng phần: Chỉ quên một số kỷ niệm, chỉ quên ngoại ngữ, chỉ quên thao tác nghề nghiệp, chỉ quên danh từ riêng... gặp trong tổn thương thực thể não hay do cảm xúc mạnh.

    • Theo thời gian, chia ra:

      • Quên thuận chiều (quên về sau: amnésie anterograde): Quên những sự việc xảy ra ngay sau khi bị bệnh. Có thể quên trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài tuần, gặp sau khi bị chấn thương sọ não, sau khi lú lẫn, hôn mê.

      • Quên ngược chiều (amnésie rétrograde): Quên những sự việc đã xảy ra trước khi bị bệnh. Quên có thể là vài giờ, vài ngày, vài tháng hay vài năm. Có thể quên từng phần hay quên toàn bộ, gặp trong chấn thương sọ não, xơ vữa mạch não, xuất huyết não...

      • Quên trong cơn (amnésie congrade): Chỉ quên những sự việc xảy ra trong cơn, trong một thời gian ngắn bị bệnh. Gặp trong cơn động kinh, trạng thái hoàng hôn...

      • Quên vừa thuận vừa ngược chiều (amnésie antérorérograde): Quên cả sự việc cũ lẫn mới. Gặp trong loạn thần cấp, kèm lú lẫn, sa sút trí tuệ do chấn thương sọ não 

    • Theo quá trình cơ bản của trí nhớ, chia ra:

      • Quên do ghi nhận kém: thường là quên thuận chiều.

      • Quên do nhớ lại kém: thường là quên ngược chiều.

    • Theo tiến triển, chia ra:

      • Quên cố định: triệu chứng quên không tăng không giảm.

      • Quên thoái triển: trí nhớ hồi phục dần.

      • Quên tiến triển: quên tăng dần theo định luật Ribot là sự việc mới quên trước, sự việc cũ quên sau.

  • Loạn nhớ (Paramnésie) hay hồi tưởng sai lầm.

    • Nhớ giả (Pseudo réminescence): Còn gọi là ảo tưởng trí nhớ. Những sự việc có thực trong cuộc sống của bệnh nhân trong một khoảng thời gian và không gian nào đó, bệnh nhân lại nhớ vào một khoảng không gian và thời gian khác, hoặc lẫn lộn sự việc này với sự việc nọ. Có khi trên một sự việc có thật, bệnh nhân lại nhớ thêm những chi tiết không hề có. Ví dụ: sự việc đã xảy ra từ rất lâu, bệnh nhân lại khẳng định là mới xảy ra ngày hôm qua.
    • Nhớ bịa (Confabulation) - Bịa chuyện: Còn gọi là ảo giác trí nhớ để phân biệt với nhớ giả (ảo tưởng trí nhớ). Có thể là bệnh nhân quên toàn bộ và thay vào chỗ quên, bệnh nhân kể những sự việc không hề xảy ra với bệnh nhân, nhưng bản thân bệnh nhân không hề biết mình bịa ra và khẳng định những sự việc ấy là có thật. Có thể bệnh nhân không quên mà chỉ bịa thêm vào. Nội dung chuyện bịa có thể thông thường hay kỳ quái. Trường hợp bịa chuyện kèm theo mất định thường gọi là lú lẫn bịa chuyện. Trong lâm sàng nhiều khi rất khó phân biệt giữa nhớ giả và bịa chuyện vì phải hiểu chi tiết cuộc đời của bệnh nhân mới biết chuyện mà bệnh nhân kể là có thật hay là bịa.

Nhớ giả và bịa chuyện có thể gặp trong các bệnh thực thể nặng ở não (có thể kèm theo quên) và có nội dung thông thường hay trong tâm thần phân liệt (không kèm theo quên) và mang tính chất hoang tưởng kỳ quái.

  • Nhớ nhầm (Kriptomnésie):

    • Nhớ vơ vào mình: Những điều nghe người khác kể hoặc thấy ở đâu đấy, hay những ý nghĩ, sáng kiến của người khác lại nhớ là của mình, mình đã trải qua.

    • Nhớ việc mình thành việc người: Sự việc, ý nghĩ của mình lại nhớ ra là của người khác hay đã đọc, đã thấy ở đâu đó.

  • Nhớ đang sống trong dĩ vãng (Ecmnésie)Kết hợp với quên tiến triển, bệnh nhân tưởng mình đang sống trong dĩ vãng (10 - 20 năm trước), hành động như người trẻ lại, có khi soi gương không nhận ra mình, cho là một cụ già nào đấy. Gặp trong loạn thần tuổi già, động kinh.
  • Hội chứng Korsacov:
    Được Korsacov miêu tả năm 1887 ở bệnh nhân nghiện rượu mạn tính có viêm nhiều dây thần kinh, gồm có:
    • Quên thuận chiều (do ghi nhận kém): Đây là rối loạn chủ yếu của hội chứng Korsacov. Bệnh nhân mất định hướng và quên tất cả mọi việc vừa xảy ra. Nhờ còn khả năng suy nghĩ logic, họ có thể suy luận về sự việc đang xảy ra.Ví dụ: bệnh nhân không nhớ đã ăn sáng chưa, xong nhìn đồng hồ có thể khẳng định được.
    • Loạn nhớ: Có thể nhớ giả và nhớ bịa.

    • Còn nhớ tốt các sự việc cũ: Hội chứng Korsacov còn gặp trong giai đoạn cấp của chấn thương sọ não (có tính chất tạm thời), các bệnh có tổn thương thực thể ở não (rối loạn không hồi phục), loạn tâm thần tuổi già, trạng thái thiếu ôxy não.

Điều trị bệnh

Phần lớn các rối loạn về trí nhớ có thể chữa trị được. Nên áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Nếu rối loạn trí nhớ do các giác quan bị suy yếu (mắt nhìn hoặc tai nghe không rõ), khiến bệnh nhân khó ghi nhận chính xác những điều cần nhớ thì nhiều khi chỉ cần tăng cường chức năng cho các giác quan đó (thay kính hoặc chọn một máy trợ thính thích hợp) để lấy lại trí nhớ.

  • Nếu nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ là các bệnh lý về mạch (cholesterol quá cao, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp) làm cản trở tuần hoàn nuôi dưỡng tế bào não, cần điều trị kịp thời các bệnh này để tránh nguy cơ cho tim và não.

  • Nếu suy giảm trí nhớ do lao lực quá độ hoặc stress về tinh thần (thường xảy ra ở người trẻ), cần tạo điều kiện nghỉ ngơi thư giãn. Giấc ngủ tự nhiên là liều thuốc rất bổ ích để phục hồi trí nhớ và các hoạt động về trí tuệ. Cần tránh dùng thuốc an thần, thuốc gây ngủ vì chúng làm hại trí nhớ.

  • Có chế độ ăn uống hợp lý với các muối khoáng giúp não hoạt động tốt như canxi, phốt pho, kali. Các axít béo có trong dầu cá (đặc biệt là axít docosahex acnoic), các vitamin A, B1, B6, B9, B12, C... đều cần thiết cho sự tái tạo và hoạt động của tế bào não. Phần lớn các chất kể trên có trong thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, rau quả...

  • Cho não tập thể dục bằng cách học thuộc lòng một bài hát, một bài thơ..., ghi chép vào sổ tay những điều cần nhớ để luyện trí nhớ.

Các câu hỏi liên quan bệnh Rối loạn trí nhớ

Whoops, looks like something went wrong.