Sởi là một bệnh virus rất dễ lây lan. Sởi gây ra sốt, ho, viêm kết mạc, và phát ban. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, mầm bệnh có trong nước bọt, nước mũi... của người bệnh. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 7 - 14 ngày sau khi tiếp xúc. Bệnh sởi có thể gây chết người.
Các triệu chứng thường bắt đầu bằng sốt cao (>38 độ C), tiếp theo là ho khan, nghẹt mũi (sổ mũi) và viêm kết mạc.
Các triệu chứng khác bao gồm đau họng, đau cơ bắp, các đốm trắng nhỏ bên trong miệng, sợ ánh sáng và phát ban. Ban đỏ bắt đầu phát trên mặt lan tràn đến thân, tay và chân.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền cao nhất và tính miễn dịch quần thể trong nhân dân cần phải đạt tới 94% mới có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng.
Tác nhân gây bệnh sởi là một ARN virus thuộc họ Paramyxoviridae, chi Mobillivirus. Người là nguồn bệnh chủ yếu nhưng có thể gặp ở khỉ. Không có trung gian truyền bệnh, chỉ có 1 tuýp huyết thanh và có thể phòng bệnh hiệu quả bằng vắc-xin.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, mầm bệnh có trong nước bọt, nước mũi... của người bệnh, khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi làm văng các hạt nước li ti có chứa virus phát tán ra môi trường, người lành khi hít phải có thể bị lây bệnh. Virus sởi có thể tồn tại ngoài môi trường trong hơn 1 giờ.