Tóm tắt bệnh Tai biến mạch máu não (Đột quỵ)

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Stroke
  • Cerebrovascular accident (CVA)

Tai biến mạch não hay đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn, hậu quả là các tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Triệu chứng

  • Tê liệt một chi hoặc một bên, giảm cảm giác.
  • Thay đổi thị lực.
  • Nói lắp, không có khả năng nói chuyện, không có khả năng hiểu được lời nói, khó đọc hoặc viết.
  • Nuốt khó, chảy nước dãi.
  • Mất trí nhớ.
  • Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc sự phối hợp vận động.
  • Thay đổi tính cách, tâm trạng thay đổi (trầm cảm, thờ ơ), lơ mơ, hôn mê, hoặc mất ý thức.
  • Không thể kiểm soát chuyển động của mắt, nhìn đôi.
  • Buồn nôn, ói mửa.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
  • Các phương pháp kiểm tra như chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não sẽ được thực hiện để xác định vị trí và nguyên nhân của đột quỵ.

Điều trị

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), điện tâm đồ (EKG), siêu âm, chụp X-quang.
  • Các xét nghiệm và kiểm tra bổ sung: Siêu âm động mạch cảnh, chụp CT mạch máu đầu và cổ, xét nghiệm PT (Protime) và PTT (Partial Thromboplastin Time)

Tổng quan bệnh Tai biến mạch máu não (Đột quỵ)

Tai biến mạch não (TBMN) xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị gián đoạn, hậu quả là các tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút.

Tai biến mạch máu não là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, biến họ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong các thống kê về bệnh tật của OMS, tai biến mạch máu não được coi là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của 54/57 nước có thống kê. Tại trên 40 nước, tai biến mạch máu não được coi là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong cao nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tai biến mạch máu não được định nghĩa như sau:

  • Biểu hiện các rối loạn về chức năng thần kinh như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt bị sặc; xuất hiện nhanh, đột ngột. Các rối loạn chức năng này thường tồn tại quá 24 giờ. Các khám xét và thăm dò đã loại trừ nguyên nhân sang chấn thương sọ não.
  • Dựa vào tiến triển của bệnh theo thời gian trong 2 - 3 tuần đầu, người ta phân tai biến mạch máu não thành 5 loại như sau:
    • Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: Gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Hiện coi là yếu tố nguy hiểm, không phải là tai biến mạch máu não thực sự. Những người này có thể bị tai biến mạch máu não thực sự sau đó nếu không quan tâm đến việc điều trị và phòng ngừa.
    • Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt gọi là thiếu máu não có hồi phục.
    • Khỏi một phần và di chứng kéo dài.
    • Không hồi phục hoặc nặng lên liên tục.
    • Tử vong.

Điều trị bệnh

Một số thủ thuật cấp cứu và điều trị tai biến mạch máu não:

Điều trị, cấp cứu: Trong điều trị cấp cứu, bác sĩ sẽ cho các thuốc sau đây:

  • Thở ôxy.
  • Thuốc ổn định huyết áp.
  • Thuốc chống hiện tượng phù ở não.
  • Cung cấp vitamin và chất khoáng.
  • Thuốc chữa các bệnh đi kèm như tiểu đường hay biến chứng của bệnh viêm phổi, loét. Trong chăm sóc cấp cứu, việc chống loét, hút đờm nhớt ở phổi thường xuyên, vỗ lưng để tránh ứ đọng ở phổi có ý nghĩa rất lớn.

Nhồi máu não: 

Để điều trị nhồi máu não phải nhanh chóng phục hồi dòng máu đến não. Các thuốc tiêu huyết khối phải được bắt đầu trong vòng 3 giờ. Điều trị kịp thời không những cải thiện khả năng sống mà còn làm giảm biến chứng do đột quỵ. Các thuốc thường dùng là:

  • Aspirin: Aspirin dùng tức thì sau tai biến mạch máu não đã được chứng minh là làm giảm khả năng bị cơn tai biến mạch máu não thứ hai. Tuy nhiên bệnh nhân không nên tự ý dùng Aspirin vì nếu tai biến mạch máu não là do xuất huyết não thì Aspirin có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
  • Các thuốc chống đông máu khác như Warfarin (Coumadin) và Heparin cũng có thể được dùng nhưng không thông dụng bằng Aspirin.
  • Thuốc hoạt hóa Plasminogen mô (TPA): TPA là nhóm thuốc tiêu huyết khối mạnh giúp một số bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Chỉ có thể dùng thuốc trong vòng 3 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não và chỉ khi chắc chắn là thuốc không làm tình trạng xuất huyết não nặng thêm. Không dùng TPA cho người bị xuất huyết não.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác:

  • Phẫu thuật cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh. Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở động mạch cảnh và lấy bỏ khối tắc nghẽn, giúp máu lưu thông lên não tốt hơn. Tuy nhiên, chính phẫu thuật cũng gây nguy cơ tai biến mạch máu não hoặc đau tim do giải phóng cục máu đông hoặc các mảng mỡ vào trong máu, mặc dù hiện nay các bác sĩ có thể sử dụng những thiết bị 'lọc' để loại bỏ những mảnh rơi vãi.
  • Tạo hình mạch và đặt stent để nong động mạch dẫn lên não. Đây có thể là biện pháp phòng ngừa thích hợp cho một số người đã từng bị tai biến mạch máu não hoặc có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua nhưng không thể phẫu thuật.

Xuất huyết não:

  • Kẹp phình mạch: Gốc của phình mạch sẽ được kẹp lại bằng một kẹp nhỏ để cách ly nó khỏi tuần hoàn động mạch, giúp giữ cho phình mạch khỏi bị vỡ hoặc ngăn không cho phình mạch bị vỡ lại. Kẹp sẽ được lưu tại chỗ vĩnh viễn.
  • Đặt cuộn dây (gây tắc phình mạch): Một cuộn dây nhỏ được đưa qua ống thông vào chỗ phình mạch, khiến máu đông lại và bịt kín đường đi từ phình mạch đến các động mạch liên quan.
  • Cắt bỏ dị dạng động tĩnh mạch: Dị dạng động tĩnh mạch không phải lúc nào cũng cắt bỏ được nếu nó quá lớn hoặc nằm quá sâu trong não. Tuy nhiên, mổ cắt bỏ những dị dạng nhỏ hơn ở vị trí dễ tiếp cận hơn có thể loại trừ nguy cơ vỡ gây xuất huyết não.

Các câu hỏi liên quan bệnh Tai biến mạch máu não (Đột quỵ)

Whoops, looks like something went wrong.