Tóm tắt bệnh Tật nói lắp

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Nói lắp
  • Nói cà lăm

Tật nói lắp là một chứng rối loạn trong cách diễn đạt lời nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi lặp lại. Tuy không phải là bệnh nhưng nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức, ức chế và khổ tâm cho người mắc.

Triệu chứng

  • Ngập ngừng im lặng hồi lâu trước khi bắt đầu câu nói

  • Câu nói bị đứt quãng nhiều lần, lặp lại một chữ nhiều lần, kéo dài một âm lâu như để chờ chuẩn bị âm kế tiếp.

  • Mắt nhấp nháy liên tục

  • Môi/hàm bị rung

Chẩn đoán

  • Thực hiện khai thác bệnh sử và khám thực thể.

  • Việc chẩn đoán được thực hiện dựa trên lời nói của người mắc tật nói lắp.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tật nói lắp. Điều trị truyền thống là sự kết hợp của ngôn ngữ trị liệu, liệu pháp nhận thức hành vi và các thiết bị thông tin phản hồi thính giác điện tử.

Tổng quan bệnh Tật nói lắp

Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói (vùng Broca). Khi các bộ phận này không phối hợp được thật tốt với nhau thì lời nói phát ra sẽ khó khăn và sinh ra tật nói lắp.

Tật nói lắp là một chứng rối loạn trong cách diễn đạt lời nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi lặp lại.

Nói lắp là điều bình thường ở trẻ từ 2 - 3 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi trưởng thành vẫn mắc tật nói lắp. Tuy không phải là bệnh nhưng nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức, ức chế và khổ tâm cho người mắc. Vì nói năng khó khăn nên họ dần trở nên cô độc, thu mình lại, xấu hổ và mặc cảm.

Nói lắp thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải.

Điều trị bệnh

Nên khắc phục tật nói lắp khi còn nhỏ càng sớm càng tốt. Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng các cách:

  • Dành một khoảng thời gian riêng bên trẻ mỗi ngày trong không khí thực sự thoải mái, bình tĩnh và thư thả.

  • Nói chậm và từ tốn khi nói chuyện với bé sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu những gì bạn nói.

  • Kiên nhẫn lắng nghe con nói, không lên giọng dạy bảo trẻ nói thế nào.

  • Cố gắng hiểu trẻ muốn nói gì.

  • Để cho con hoàn thành câu nói, không làm con bị gián đoạn câu nói.

  • Nhìn thẳng vào mắt khi con đang nói.

  • Đừng giành nói trước câu nói hay suy nghĩ của con.

  • Hãy để cho chính trẻ tự nói lên.

  • Chờ con nói xong mới trả lời.

  • Không bao giờ trả lời trước khi con chưa nói xong.

  • Điều này giúp con bạn bình tĩnh, chậm rãi khi phát biểu.

  • Nên tập cho con thói quen nói năng rõ ràng, lưu loát ngay từ khi còn nhỏ.

Ở người trưởng thành, muốn bỏ được tật nói lắp trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên và lại càng nói lắp. Đừng căng thẳng khi chuẩn bị nói hay luôn có mặc cảm mình bị nói lắp.
 
Người nói lắp phải tự tin, mạnh dạn thể hiện mình, luyện tập nói chuyện ở chỗ đông người để giảm căng thẳng tâm lí. Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bệnh nhân chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn. Người nói lắp cần rèn tốc độ phát âm và nói chậm, tâm lý thật bình tĩnh khi nói, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần, câu nói phải nối với nhau.

Đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân của mình là một trong những cách đem lại hiệu quả trong trị tật nói lắp. Lưu ý là phải luyện tập đều đặn, kiên trì hằng ngày. Ngoài ra cũng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể dục thể thao và tập thở. Mỗi ngày nên tập đọc thành tiếng một bài báo. Tốc độ đọc từ chỗ chậm rãi, sau tăng dần và tiến tới đọc trơn tru, lưu loát. Nếu kiên nhẫn duy trì luyện tập thường xuyên thì kết quả sẽ rất tốt.

Các câu hỏi liên quan bệnh Tật nói lắp