Tóm tắt bệnh Thai ngoài tử cung

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Chửa ngoài tử cung
  • Chửa ngoài dạ con.

Thai ngoài tử cung là những trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác bên ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở vòi trứng, khi vỡ chảy máu ồ ạt vào ổ bụng, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ của người có thai ngoài tử cung vỡ.

Căn bệnh này thường gặp ở những phụ nữ bị viêm nhiễm vòi tử cung, có tiền sử bệnh viêm vùng chậu hoặc mang thai ngoài tử cung, sử dụng vòng tránh thai.

Triệu chứng

Đau bụng, chảy máu âm đạo, đau vùng chậu, choáng, ngất, huyết áp thấp.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm HCG để xác nhận bệnh nhân có mang thai hay không, siêu âm vùng chậu để xác nhận thai trong tử cung.

  • Nếu thai không được tìm thấy trong tử cung, có thể bệnh nhân đã mang thai ngoài tử cung.

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm HCG, siêu âm.

  • Xét nghiệm bổ sung: Xét nghiệm nhóm máu

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào kích thước và vị trí của thai ngoài tử cung và có thể bao gồm:

  • Thuốc Methotrexate.

  • Mổ lấy thai.

  • Phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng.

Tổng quan bệnh Thai ngoài tử cung

Tử cung hay còn gọi là dạ con, là cơ quan sinh sản của người phụ nữ, khi mang thai bào thai sẽ phát triển tại đó. Tử cung có 2 vòi trứng ở hai bên, nối với 2 buồng trứng, là nơi trứng sau khi thụ tinh (kết hợp với tinh trùng của người nam) sẽ đi vào lòng tử cung để phát triển thành thai.

Chửa ngoài tử cung (hay chửa ngoài dạ con) là tình trạng trứng sau khi thụ tinh tại 1/3 ngoài của vòi tử cung (vòi trứng) không chuyển được vào buồng tử cung như bình thường mà lại phát triển tại một vị trí nào đó. Đây là một cấp cứu sản khoa nếu không được xử trí tích cực và kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều trị bệnh

  • Nguyên tắc điều trị thai ngoài tử cung

Khối thai nằm ngoài tử cung khó có thể phát triển thành thai bình thường, đủ ngày đủ tháng được vì không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Khối thai sẽ vỡ ra và chảy máu, thời điểm sớm hay muộn tùy thuộc vào vị trí của khối thai. Vì vậy, nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai, hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi.

Ngoài ra còn phải tùy theo tình trạng mất máu của người bệnh để có những xử trí cấp cứu kịp thời và đúng cách (như truyền máu).

Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung hiện nay:

  • Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) nhằm lấy đi khối thai, có thể gồm mổ bụng hở hay mổ nội soi. Phẫu thuật nội soi là mở một vài lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật vào và qua các dụng cụ này sẽ thực hiện các thao tác để lấy khối thai. Phẫu thuật nội soi cần nhiều điều kiện về kỹ thuật, trang bị, nhân sự, nhưng có lợi cho bệnh nhân hơn vì ít gây dính vùng bụng sau mổ hơn mổ bụng hở. Tuy nhiên, khi khối thai đã vỡ, hay khi có quá nhiều máu trong ổ bụng, không thể tiến hành mổ nội soi được thì buộc phải mổ hở. Điều trị phẫu thuật là cách điều trị chủ yếu từ trước tới nay.

  • Điều trị nội khoa (dùng thuốc): Dùng một chất gây độc tế bào tiêm vào cơ thể hay vào khối thai, mục đích làm chết các tế bào của khối thai.

    • Chất hiện đang được dùng là Methotrexate, là một chất cạnh tranh với acid folic (là thành phần quan trọng trong chu trình làm việc và tăng trưởng của tế bào, giúp tế bào sinh sôi và phát triển). Methotrexate cũng là một trong những thuốc được dùng để điều trị ung thư. Tại Mỹ, thuốc đã được dùng từ những năm 1950 trong điều trị ung thư, và từ những năm 1980 trong điều trị thai ngoài tử cung.

    • Có nhiều cách dùng thuốc: Tiêm thuốc vào bắp cơ một lần duy nhất, hoặc nhiều lần, hoặc tiêm thẳng vào khối thai. Thuốc gây ra một số tác dụng phụ như viêm dạ dày, viêm da, ảnh hưởng gan; tuy nhiên, trong trường hợp điều trị thai ngoài tử cung, do liều dùng thấp, nên hầu như các tác dụng này không đáng ngại (thông thường, với một liều tiêm vào mạch máu, sau 24 giờ, 90% thuốc đã được thải qua đường thận). Sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân được theo dõi để đánh giá tình trạng khối thai, thời gian này kéo dài hơn so với điều trị phẫu thuật (từ 3-4 tuần). Cũng có khi khối thai vẫn tiếp tục phát triển sau dùng thuốc, buộc phải chuyển sang phẫu thuật.

    • Cách điều trị này được áp dụng tại các bệnh viện chuyên khoa Sản trong vòng 10 năm trở lại đây. Cách sử dụng thuốc phổ biến hiện nay là dùng Methotrexate 1 liều, tiêm bắp, có thể lặp lại tối đa 3 liều. Những trường hợp thai ngoài tử cung chưa vỡ, kích thước dưới 3cm, tim thai chưa có hoạt động, thường được chọn lựa cho điều trị bằng thuốc. Theo dõi sau đó bao gồm theo dõi tình trạng đau trên lâm sàng và trên siêu âm không thấy có tình trạng dịch ổ bụng do khối thai bị rạn nứt hay vỡ, diễn tiến nhỏ dần của khối thai và theo dõi trên xét nghiệm máu, đánh giá sự giảm dần nồng độ Beta hCG, là một chất do nhau thai tiết ra, chứng tỏ nhau thai đã bị thoái hoá dần. Bệnh nhân được yêu cầu không có thai ít nhất là 2 tháng sau điều trị nội khoa.

  • Điều trị bảo tồn hay không bảo tồn là có giữ lại được vòi trứng hay không. Khi khối thai đã vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu lần sau vẫn bị thai ngoài tử cung, thì có nhiều khả năng sẽ mất cả vòi trứng còn lại. Do đó, khi khối thai chưa vỡ, người ta thường đặt vấn đề bảo tồn vòi trứng, đặc biệt trên người chưa đủ con. Phẫu thuật lúc này sẽ là mở vòi trứng, lấy khối thai và cầm máu. Cũng có khả năng tái phát thai ngoài tử cung ngay trên chỗ mở vòi trứng, nhưng dù sao, bệnh nhân vẫn giữ được vòi trứng thì khả năng có thai sẽ vẫn tốt hơn là chỉ còn một bên vòi trứng. Có thể thực hiện bảo tồn qua mổ nội soi hay mổ bụng hở. Khi điều trị nội khoa thành công thì đương nhiên giữ lại được vòi trứng, hơn nữa, khả năng tái phát trên vòi trứng nếu điều trị nội khoa sẽ thấp hơn khi phẫu thuật.

  • Điều trị tại chỗ: Dùng thuốc hay một số chất đặc biệt tiêm thẳng vào khối thai, mục đích làm cho tế bào nhau và thai chết đi, có thể dùng Methotrexate, dung dịch đường ưu trương, Clorua kali…vv. Tuy nhiên, đây là cách điều trị không phổ biến, chỉ sử dụng trong một vài trường hợp.

Việc lựa chọn các phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào:

  • Khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ. Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, khả năng kinh tế, sự thông hiểu của bệnh nhân (nhất là khi điều trị nội khoa: cần sự kiên trì theo dõi, tái khám nhiều lần và chấp nhận có thể thất bại phải chuyển sang phẫu thuật). Tình trạng của cơ sở y tế, có trang thiết bị và nhân sự được đào tạo.

Thể chửa ngoài tử cung chưa vỡ:

  • Phẫu thuật càng sớm càng tốt, tránh mất máu. Ngày nay sử dụng phẫu thuật nội soi có thể bảo tồn ống dẫn trứng bằng cách rạch dọc theo vòi trứng lấy hết nhau, cầm máu tốt, sau đó khâu phục hồi lại đường rạch.

  • Tiêm Metrotrexat 10g vào thẳng khối thai dưới siêu âm và theo dõi trên lâm sàng, cận lâm sàng.

Chửa ngoài tử cung vỡ ngập lụt ổ bụng:

  • Phẫu thuật ngay không trì hoãn, vừa phẫu thuật vừa hồi sức tích cực bằng truyền máu hay các chất thay thế bằng truyền dịch, trợ tim, trợ sức cho thở ôxy.

  • Khi vào ổ bụng, cho tay tìm ngay chỗ vòi trứng vỡ để cầm máu, sau đó chờ huyết áp lên tiếp tục xử lý cắt bỏ đoạn vỡ, khâu cầm máu, sau đó vùi mỏm cắt.

  • Lau sạch ổ bụng, đóng bụng không cần dẫn lưu.

Thể huyết tụ thành nang:

  • Cần phải mổ để tránh vỡ thứ phát và nhiễm khuẩn trong ổ máu tụ.

  • Khi vào ổ bụng lấy hết khối máu tụ, khâu cầm máu tốt, lau rửa sạch và dẫn lưu ổ bụng khi cần thiết.

Chửa trong ổ bụng:

  • Khi thai nhỏ hơn 32 tuần, phẫu thuật ngay để lấy thai dù thai còn sống vì nếu chờ đợi sẽ rất nguy hiểm cho mẹ và khó có thể tiên lượng diễn biến của bệnh.

  • Nếu tuổi thai > 32 tuần có thể chờ đợi thai đủ tháng rồi mổ lấy thai. Khi mổ, cặp cắt và buộc cuống rốn sát bánh rau. Tuyệt đối không được bóc bánh rau, trừ khi có thể cầm máu thật chắc mới được bóc. Đóng bụng lại và cho dùng kháng sinh liều cao.

Các câu hỏi liên quan bệnh Thai ngoài tử cung