Tóm tắt bệnh Than

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Anthrax
  • Nhiệt thán

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra. Tùy theo đường vào của vi khuẩn, bệnh được chia làm 3 thể: bệnh than ngoài da, bệnh than đường ruột, bệnh than dạng phổi. Thể đường ruột và dạng phổi ít gặp nhưng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm".

Triệu chứng

Các triệu chứng phụ thuộc ở đường vào của vi khuẩn:

  • Bệnh than ngoài da gây tổn thương da dạng mụn, loét da, sưng da và tổn thương đóng vảy đen.

  • Bệnh than đường ruột gây buồn nôn, nôn, nôn ra máu, thiếu máu và tiêu chảy ra máu.

  • Bệnh than dạng phổi gây sốt, mệt mỏi, ho, khó thở và đau ngực.

Bệnh than có thể tiến triển dẫn đến suy hô hấp, huyết áp thấp và tử vong.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Trực khuẩn than có thể được phát hiện qua cấy máu, cấy dịch não tủy, cấy đờm, cấy da, cấy phân, sinh thiết da.

Điều trị

Điều trị phụ thuộc vào thể bệnh than: 

  • Kháng sinh đường uống có thể điều trị bệnh than ngoài da.

  • Bệnh than đường ruột và dạng phổi cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Các loại thuốc thường được sử dụng là Doxycycline, Ciprofloxacin và Penicillin. Tuy nhiên, 90% bệnh nhân có bệnh than dạng phổi tử vong mặc dù sử dụng kháng sinh thích hợp.

Tổng quan bệnh Than

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra.

Biểu hiện lâm sàng ở người là hội chứng nhiễm khuẩn - nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương thường gặp ở da. Thể hô hấp và tiêu hóa ít gặp nhưng rất nặng với tỷ lệ tử vong cao.

Bệnh than là một trong những bệnh được xếp vào nhóm bệnh "đặc biệt nguy hiểm". Vi khuẩn than dễ được nghiên cứu sử dụng trong chiến tranh sinh học.

Những mô tả đầu tiên về bệnh than được biết từ năm 1491 trước công nguyên, gây bệnh trên cả động vật và người. Đến thế kỷ thứ 17, dịch bệnh đã làm nhiều người và động vật chết trên khắp châu Âu. Năm 1881, Pasteur nghiên cứu chế tạo vắc-xin và 1939 Sterne đã chế tạo thành công vắc-xin bệnh than.

Khu vực nguy cơ cao là các quốc gia Nam và Trung Phi, Nam và Đông Âu, châu Á, châu Phi, Caribê và Trung Đông.

Điều trị bệnh

Bệnh có thể chữa khỏi bằng kháng sinh, nhất là thể ngoài da. Tuy nhiên, thuốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu được sử dụng ngay sau khi nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Nếu không, khả năng thành công sẽ giảm rất nhiều.

Kháng sinh được lựa chọn là Ciprofloxacin (Cipro), nó tỏ ra hiệu quả với nhiều chủng vi khuẩn than. Với bệnh nhân dạng phổi, phải dùng thuốc ở liều rất cao. Nếu thành công, việc điều trị phải được tiếp tục trong 60 ngày để đảm bảo là các bào tử đã nở và bị tiêu diệt hết.

Chế độ điều trị tương tự cũng được áp dụng với những người đã tiếp xúc với vi khuẩn than nhưng chưa nhiễm bệnh.

Các câu hỏi liên quan bệnh Than