Tóm tắt bệnh Vảy nến

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Vẩy nến
  • Psoriasis

Là bệnh về da có tổn thương là các dát đỏ có vảy màu trắng bạc, dày phủ trên bề mặt, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, dễ bong tróc và giống như giọt nến. Nguyên nhân của rối loạn là do rối loạn hệ thống miễn dịch. Các yếu tố sau làm cho triệu chứng nặng hơn: nhiễm trùng, tổn thương da, căng thẳng, thời tiết lạnh, hút thuốc lá, nghiện rượu và sử dụng một số loại thuốc. Bệnh có tính di truyền và bệnh có thể gây ra viêm khớp.

Triệu chứng

  • Da nổi mảng đỏ ở khuỷu tay, đầu gối, phần thân, hoặc bất cứ nơi nào trên cơ thể.

  • Da khô và phủ vảy màu bạc, da dày lên.

  • Các móng tay trở nên dày và rỗ.

  • Có thể bị đau khớp.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Sinh thiết da.

Điều trị

Mục tiêu của điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn nhiễm trùng thứ phát. Điều trị bao gồm: Steroid tại chỗ, các chế phẩm vitamin D, Anthralin tại chỗ, Retinoids, acid Salicylic dạng bôi, thuốc mỡ có chứa nhựa than đá, kem dưỡng ẩm, chiếu đèn, Retinoids đường uống, Methotrexate đường uống, Cyclosporine, Hydroxyurea dạng uống và các loại thuốc miễn dịch dạng uống (Etanercept/ Enbrel, Infliximab/ Remicade, Adalimumab/ Humira). Nếu phát ban lan rộng, bệnh nhân có thể cần được điều trị nội trú tại bệnh viện. Dùng thuốc kháng sinh cho các nhiễm trùng thứ phát.

Tổng quan bệnh Vảy nến

Là một bệnh về da có tổn thương là các dát đỏ có vảy trắng phủ trên bề mặt, vảy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến (vì vậy có tên gọi là “Vảy nến”)

Theo thống kê, tỷ lệ bệnh vảy nến khác nhau tùy từng vùng, từng châu lục, song nó dao động trong khoảng 1-3% dân số. Bệnh vảy nến là căn bệnh mang đến gánh nặng thể chất lẫn tinh thần và cả về xã hội. 125 triệu người mắc phải bệnh này trên toàn cầu, trong đó có khoảng 2,5 triệu người Việt Nam.

Bệnh vảy nến tiến triển lâu dài, nhiều đợt. Có khi sau một thời gian điều trị, bệnh ổn định, nhưng nếu không duy trì chế độ điều trị, sinh hoạt, làm việc hợp lý thì các thương tổn lại tái phát.

  • Tùy theo tính chất, đặc điểm lâm sàng, người ta chia vảy nến làm 2 thể chính: Thể thông thường và thể đặc biệt.

    • Trong thể thông thường, dựa vào kích thước, vị trí của thương tổn da, người ta phân làm các thể như: Thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng, vảy nến ở đầu, vảy nến đảo ngược,…

    • Thể đặc biệt ít gặp hơn nhưng nặng và khó điều trị hơn. Đó là các thể: Vảy nến thể mủ, vảy nến thể móng khớp, vảy nến thể đỏ da toàn thân.

Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị bệnh

1. Điều trị tại chỗ:

Bôi các thuốc sau đây

  • Mỡ Salicylé 2%, 3%, 5% có tác dụng bong vảy, bạt sừng.

  • Mỡ Corticoid: Eumovate, Diprosalic,… có tác dụng chống viêm rất tốt, thương tổn mất rất nhanh. Tuy nhiên, không nên lạm dụng bôi nhiều và dài ngày vì sẽ gây biến chứng làm bệnh nặng thêm.

  • Mỡ có vitamin A acid (Differin, Isotrex, Erylick...): Có tác dụng bình thường hóa quá trình sừng hóa của da.

2. Điều trị toàn thân:

Có thể dùng các thuốc sau đây

  • Vitamin A acid: Soritane, Tigasone...

  •  Methotrexate.

  • Cyclosporin...

Các thuốc này có tác dụng rất tốt, nhưng có nhiều tác dụng phụ như có thể gây quái thai, hạ bạch cầu, rối loạn chức năng gan, thận,... Vì vậy, cần được chỉ định đúng và theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.

Corticoid và bệnh vảy nến: Các Corticoid dùng đường uống (Prednisolone, Medrol...) hoặc tiêm tĩnh mạch (Methylprednisolone) đều có tác dụng tốt, nhanh. Nhưng chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt trong một thời gian ngắn và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu lạm dụng dùng liều cao kéo dài bệnh sẽ tái phát nặng và có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.

3. Trị liệu bằng ánh sáng (Phototherapy)

Có thể phối hợp các phương pháp trên với chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau (UVA, UVB) cũng có kết quả rất tốt và kéo dài thời gian ổn định bệnh. Đặc biệt, hiện nay phương pháp PUVA (Psoralene Ultraviolet A) đang được áp dụng để điều trị bệnh vảy nến các thể khác nhau và có kêt quả rất khả quan

4. Phương pháp sinh học (Biotherapy)

Trong những năm gần đây người ta đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vảy nến như: Efanecept, Alefacept, Efalizumab,... Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... đã áp dụng phương pháp này và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, phương pháp này vừa đắt tiền vừa có một số tác dụng phụ nên chưa được áp dụng rộng rãi.

Một điều vô cùng quan trọng là trong quá trình điều trị cần phải tư vấn cho bệnh nhân. Vì tiến triển của bệnh vảy nến thất thường, dai dẳng nên cần khuyên bệnh nhân không được lơ là, tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm.

Hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị theo từng giai đoạn bệnh, đồng thời phải hạn chế bia, rượu, thuốc lá, tránh các stress và điều trị triệt để các bệnh mãn tính khác nếu có. Có như vậy mới tránh được các biến chứng và bệnh sẽ ổn định lâu dài.

Các câu hỏi liên quan bệnh Vảy nến

Whoops, looks like something went wrong.