Amiđan là một đôi hạch lymphô đặc biệt nằm ở hai bên họng, nằm sau, ở phía trên lưỡi. Amiđan là một phần của hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây bệnh. Viêm amiđan là tình trạng nhiễm trùng amiđan. Nguyên nhân nhiễm trùng: do vi khuẩn như Streptococcus hoặc virut như virut Ebstein-Barr. Ở một số trường hợp hiếm, viêm amiđan có thể phát triển thành áp-xe.
Đau họng, khó nuốt, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau tai, giọng nói thay đổi, mất tiếng, hơi thở có mùi hôi.
Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Xét nghiệm chất nhầy cổ họng có thể giúp xác định nguyên nhân gây bệnh do virut hay vi khuẩn.
Xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu đơn nhân có thể được thực hiện.
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể bao gồm: thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không Steroid/NSAIDs (Ibuprofen/Motrin hoặc Advil, Naproxen/Naprosyn), thuốc giảm đau như Acetaminophen (Tylenol), và Steroid.
Một số trường hợp viêm amiđan không do vi khuẩn thì kháng sinh không có tác dụng.
Phẫu thuật cắt bỏ amiđan được khuyến nghị nếu bệnh lặp đi lặp lại.
1. Khái niệm
Amiđan là một đôi hạch lymphô đặc biệt nằm ở hai bên họng, phía sau trên của lưỡi. Amiđan là một phần hệ miễn dịch của cơ thể giúp bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn gây bệnh - bằng cách chứa các tế bào bạch cầu, nhấn chìm vi khuẩn và virut khi các tác nhân này xâm nhập vào qua mũi và miệng. Khi tế bào bạch cầu nhấn chìm vi khuẩn và virut, chúng gây ra nhiễm khuẩn nhẹ ở amiđan. Viêm nhiễm nhẹ này sau đó kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể hình thành kháng thể chống lại nhiễm trùng như vậy trong tương lai. Nhưng đôi khi amiđan có thể bị áp đảo bởi vi khuẩn và virut, bị sưng và viêm. Hậu quả là viêm amiđan.
Viêm amiđan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amiđan có thể là viêm cấp, viêm tái phát cấp hoặc viêm mãn tính. Viêm amiđan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm, cần được điều trị sớm
2. Phân loại
Nhìn chung, viêm amiđan được phân thành 2 loại:
Viêm amiđan cấp tính
Là viêm xung huyết và xuất tiết của amiđan khẩu cái, thường gặp ở trẻ từ 3 - 4 tuổi trở lên, do vi khuẩn hoặc virut gây nên, thường thấy ở thời kỳ xâm lấn của nhiều bệnh viêm nhiễm vì vậy có người coi amiđan là cửa vào của một số vi khuẩn hay virut như: viêm khớp cấp, bại liệt, dịch viêm não, viêm màng não…
Viêm amiđan mãn tính
Viêm amiđan mãn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. Tuỳ theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amiđan có thể (quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc amiđan có thể nhỏ lại (xơ chìm).
Trong những năm gần đây, điều trị viêm amidan có sự thay đổi đột ngột. Mục tiêu chính là không phẫu thuật cắt amidan nữa. Đó là vì hiện nay người ta đã biết rằng amidan đảm nhận chức năng miễn dịch quan trọng trong cơ thể. Hơn nữa, quan điểm cũ là hầu hết trẻ được cắt amidan ít nhạy cảm với cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp khác đã lỗi thời. Thực tế là ngược lại. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với một số trẻ.
Sử dụng thuốc
Viêm amiđan do nhiễm liên cầu thường được điều trị bằng kháng sinh như Penicillin. Đôi khi, đặc biệt ở trẻ nhỏ khó nuốt, Penicillin được dùng đường tiêm. Kháng sinh điển hình cần dùng ít nhất 10 ngày. Mặc dù trẻ cảm thấy khá hơn trong 1 - 2 ngày, vẫn cần phải dùng kháng sinh đầy đủ đến hết đợt. Dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Hơn nữa, có thể bị viêm lại, có khả năng gây biến chứng nặng. Đáng tiếc, hiện này chưa điều trị được virut gây viêm amiđan. Điều này có nghĩa là cần tập trung vào các biện pháp bổ trợ trong đợt nhiễm virut. Có thể kéo dài từ 7 - 14 ngày cho tới khi trẻ bình phục hoàn toàn.
Phẫu thuật
Khi bị viêm amiđan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị hoặc chỉ định cắt amiđan nếu cần thiết.
Nên cắt amiđan trong các trường hợp sau đây:
Amiđan quá phát gây bít tắc đường thở, đường ăn.
Nghi ngờ ung thư amiđan.
Viêm amiđan tái phát cấp hơn 6 lần trong một năm, hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm.
Viêm amiđan tái phát cấp do liên cầu trùng tan huyết bêta nhóm A ở người có kèm theo bệnh van tim hậu thấp hoặc ở trẻ có kèm theo tiền sử thường bị sốt cao co giật.
Viêm âmiđan mãn tính hoặc viêm amiđan tái phát cấp ở người mang mầm bệnh Liên cầu trùng mà không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
Viêm amiđan mãn tính đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng người bệnh vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ, hơi thở hôi.
Mưng mủ quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
Viêm amiđan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.
Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amiđan. Cắt vào mùa nào cũng được vì hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại cắt amiđan an toàn và không chảy máu.
Nếu có các bệnh khác kèm theo như: cao huyết áp, tim mạch, đái đường... thì chỉ định lại hạn chế.