Tóm tắt bệnh Viêm khớp thiếu niên

Viêm khớp dạng thấp tuổi thiếu niên là viêm khớp xảy ra trước tuổi 17 và kéo dài trong ít nhất 6 tuần. Đây là bệnh thuộc nhóm tự miễn dịch ở trẻ em, chưa rõ nguyên nhân. Trong viêm khớp dạng thấp tuổi thiếu niên, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công lớp lót bên trong khớp gây viêm và tổn thương khớp.

Triệu chứng

Các triệu chứng bao gồm đau khớp, sưng khớp, cứng khớp, phát ban và sốt nhẹ. Các triệu chứng có thể xuất hiện, mất đi và thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và khớp bị bệnh.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm máu và chụp X-quang.

  • Cần làm các xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác của bệnh viêm khớp như nhiễm trùng và lupus ban đỏ hệ thống.

  • Xét nghiệm tìm kháng thể kháng nhân (ANA), xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP) và phân tích dịch khớp.

  • Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Điều trị

Điều trị hướng vào việc làm giảm các triệu chứng và ngăn chặn tình trạng viêm trong khớp để tránh tổn thương khớp vĩnh viễn. Trong trường hợp nhẹ, có thể chỉ cần dùng các thuốc chống viêm như Ibuprofen và Naproxen. Corticosteroid tiêm khớp hoặc đường uống (prednisone) có thể được sử dụng.

Nếu triệu chứng không giảm, có thể phải thay đổi loại thuốc, như Hydroxychloroquine (Plaquenil), Sulfasalazine (Azulfidine), Methotrexate hoặc sử dụng các thuốc tác nhân sinh học. Các tác nhân sinh học bao gồm Leflunomide (Arava), Adalimumab (Humira), Etanercept (Enbrel), Infliximab (Remicade) và Anakinra (Kineret). Vật lý trị liệu có thể hữu ích để duy trì chức năng khớp.

Tổng quan bệnh Viêm khớp thiếu niên

Tổn thương xương khớp tuổi thiếu niên hiện nay là nhóm bệnh rất hay gặp trong thực tế lâm sàng, diễn biến phức tạp, khó nhận biết và nhìn chung vẫn còn gây rất nhiều khó khăn cho các bác sỹ lâm sàng nói chung và các bác sỹ nhi khoa nói riêng trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh.

Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên là một trong những nhóm bệnh hay gặp nhất. Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, nguyên nhân chưa biết ở trẻ em, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mãn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Với định nghĩa này đã loại trừ một số bệnh ở trẻ em có các biểu hiện lâm sàng tương tự như: Viêm khớp do virut, chấn thương, ban xuất huyết Scholein -Henoch, sốt thấp (còn gọi là bệnh thấp tim, thấp khớp cấp); viêm khớp nhiễm khuẩn; nhóm bệnh lý tự miễn dịch khác như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh mô liên kết hỗn hợp hay viêm da cơ khởi phát tuổi thiếu niên; một số bệnh lý ác tính có biểu hiện khớp như bệnh bạch cầu cấp và các bệnh lý máu ác tính khác; đau khớp tuổi phát triển hay một số bệnh khác như Legg- Perthes- Calve... cũng không thuộc nhóm này.

Viêm khớp tự phát thiếu niên (Juvenile Idiopathic Arthritis - JIA) là thuật ngữ do Liên đoàn quốc tế phòng chống các bệnh khớp (International League Against Rheumatic diseases- ILAR) đề xuất, nhằm thống nhất trên bình diện quốc tế về tên bệnh, phân loại nhóm bệnh viêm khớp tự miễn tuổi thiếu niên vốn có tên là viêm khớp mãn tính thiếu niên (Juvenile Chronic Arthritis - JCA) thường được dùng ở châu Âu- Anh, hay viêm khớp dạng thấp thiếu niên (Juvenile Rheumatoid Arthritis - JRA) thường được dùng ở Mỹ - Canada với những tiêu chuẩn vốn có một số khác biệt.

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên còn chưa được biết rõ, tuy nhiên người ta thống nhất cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm trùng làm khởi động một loạt quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virut, Chlamydia, Mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…

Về tần suất, nói chung bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu niên ít gặp hơn viêm khớp dạng thấp ở người lớn. Ở Việt Nam chưa có thống kê về bệnh này, nhưng một số thống kê ở Mỹ và châu Âu cho thấy, lứa tuổi mắc bệnh ở khoảng từ 2-16 tuổi, với tỷ lệ 1/1000 trẻ mỗi năm, nữ gặp nhiều hơn nam. Thật may là phần lớn trong số đó thường có diễn biến nhẹ, chỉ khoảng 1/10.000 trường hợp bệnh sẽ tiến triển nặng dần.

Điều trị bệnh

Thuốc điều trị cơ bản

Bệnh xảy ra ở thiếu niên là đối tượng nhạy cảm, nếu điều trị không đúng dễ xảy ra biến chứng. Khuyến nghị nên đưa trẻ bệnh đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa và điều trị cơ bản bằng thuốc chuyên khoa theo phác đồ. Vì vậy, bài này chỉ hướng dẫn sử dụng các thuốc thông thường và biện pháp không dùng thuốc.

Thuốc chống viêm không steroid

Được chỉ định ngay khi trẻ được chẩn đoán viêm khớp, dùng một trong các loại sau

  • Aspirin: Liều dùng 75 - 90mg/kg cân nặng/ngày.
  • Ibuprofen: Có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Liều dùng: 35mg/kg/ngày (dạng viên), 45mg/kg/ngày (dạng siro) chia 3 lần.
  • Naproxen: Dùng cho trẻ từ 2 tuổi, dạng viên và dạng siro. Liều dùng: 20 - 30mg/kg/ngày chia 2 lần.
  • Piroxicam: < 15kg: 5mg/ngày; 16-25kg: 10mg/ngày; 26 - 45kg: 15mg/ngày, > 46kg: 20mg/ngày. Uống 1 lần.
  • Diclofenac: 1-3mg/kg/ngày chia 2 - 3 lần.
Corticoid
  • Đường toàn thân: Chỉ định trong giai đoạn tiến triển của viêm khớp thiếu niên tự phát thể có khởi phát hệ thống.
  • Liều Prednisolon hoặc chế phẩm tương đương: 0,1-0,2mg/kg cân nặng/ngày uống một lần vào 8 giờ sáng. Chỉ định trong thời gian ngắn khi các khớp sưng đau nhiều và có tổn thương nội tạng. Sau đó giảm dần liều tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.
  • Tiêm tại khớp: Được chỉ định đặc biệt trong thể viêm một hoặc vài khớp, trong trường hợp khớp sưng đau nhiều. Chỉ được tiêm tại những cơ sở y tế có chuyên khoa cơ-xương-khớp, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.
  • Liều dùng:
    • Hydrocortisol acetat lọ 125mg/5ml, tiêm cho khớp gối 0,5-1mg/kg/lần tiêm. Tuy nhiên, tối đa chỉ tiêm 1ml/khớp gối/lần. Mỗi đợt điều trị tiêm tối đa 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.
    • Methylprednisolon acetat (DepoMedrol 40mg x 1ml) hoặc Diprospan (1ml = 5mg betamethason dipropionat + 2mg betamethason natri phosphat), mỗi đợt điều trị tiêm 1 lần. Tiêm khớp gối 0,5 - 1ml. Các khớp lớn khác (háng, vai) liều dùng được tính như khớp gối. Các khớp khác như khớp cổ chân, khuỷu, liều bằng 1/2 liều dành cho khớp gối; các khớp cổ tay khoảng 1/3 liều với khớp gối.
  • Điều trị tổn thương mắt: Để điều trị những tổn thương ở mắt, phải được chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt... Có thể chỉ định các thuốc nhỏ mắt có corticoid như Tobradex (dexamethazone + tobramycin) 5ml; tra mắt 4-6 lần/24 giờ.

Điều trị phối hợp

  • Thuốc giảm đau: Chỉ định theo sơ đồ bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
  • Bậc 1: Thường dùng Paracetamol, liều 10-15mg/kg/4-6 giờ.
  • Bậc 2: Morphin yếu: Efferalgan Codein: Không dùng cho trẻ dưới 15kg; trẻ từ 15-22kg uống  liều 1/2-2 viên mỗi ngày.
  • Trường hợp dùng corticoid cần bổ sung vitamin D, canxi, kali.
  • Kết hợp kháng sinh khi có bội nhiễm.
  • Lý liệu pháp: Chiếu tia hồng ngoại vào những khớp hoặc đoạn cột sống tổn thương, ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.
Điều trị ngoại khoa
  • Nội soi khớp: Rửa khớp hoặc cắt bỏ màng hoạt dịch dưới nội soi. Được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác đặc biệt là những khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, cổ chân.
  • Thay khớp nhân tạo: Chỉ định trong trường hợp mất chức năng vận động nhiều.
  • Nên cân nhắc thận trọng khi dùng cho bệnh nhi. Trong quá trình sử dụng theo dõi chặt chẽ và lâu dài các tác dụng không mong muốn.

Các biện pháp không dùng thuốc

  • Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Tuy nhiên, trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
  • Cố gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những trẻ em khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác đặc biệt là những khớp trung bình và lớn như khớp gối, khớp vai. Thay khớp một phần hay toàn bộ nhằm giảm đau, gỡ dính khớp tránh tình trạng bất động kéo dài do khớp bị tổn thương nặng. Chủ yếu là thay khớp gối và khớp háng.    

Các câu hỏi liên quan bệnh Viêm khớp thiếu niên