Tóm tắt bệnh Viêm màng ngoài tim

Màng ngoài tim là một túi bao quanh tim. Bình thường, khoang màng ngoài tim có khoảng 20-30 ml dịch, giúp màng ngoài tim trượt lên nhau mà không tạo ra tiếng. Viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến sự tích tụ lượng dịch lớn xung quanh tim. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vius. Viêm màng ngoài tim cũng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật tim hoặc sau cơn đau tim (hội chứng Dressler). Các nguyên nhân khác là các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus, xơ cứng bì, bệnh Sarcoidosis), ung thư, suy thận và do tác dụng phụ của một số thuốc (Dilantin, procainamide, hydralazine).

Triệu chứng

Đau ngực (giảm dần nếu ngồi nghiêng về phía trước), sưng bắp chân và bàn chân, lo lắng, khó thở khi nằm, ho khan, mệt mỏi, sốt, không thể tập thể dục.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Chụp X-quang ngực, CT Scan và điện tâm đồ (ECG hoặc EKG).

  • Xét nghiệm Troponin, siêu âm tim. Kiểm tra tốc độ lắng máu (ESR), xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

  • Chọc dịch màng tim làm xét nghiệm.

  • Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Điều trị

Bệnh nhân có thể phải điều trị nội trú. Thuốc giảm đau không steroid, thuốc chống viêm/NSAIDs (ibuprofen/Motrin hoặc Advil, naproxen/Naprosyn) được dùng cho các trường hợp nhẹ, như thuốc Colchicine. Steroid có thể được sử dụng cho viêm màng ngoài tim tự miễn. Chọc hút hoặc phẫu thuật để loại bỏ dịch màng tim.

Tổng quan bệnh Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim là một tình trạng bệnh lý do phản ứng viêm của màng ngoài tim với các triệu chứng chính là đau ngực, nghe có sự thay đổi tiếng tim và các biến đổi điện tâm đồ. Bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.

Viêm màng ngoài tim thường là đột ngột và ngắn ngủi (cấp tính). Khi các triệu chứng dần dần phát triển thêm hoặc kéo dài, tình trạng này được coi là mãn tính..

Viêm màng ngoài tim để lại nhiều biến chứng vì vậy chẩn đoán sớm và điều trị có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.

Điều trị bệnh

Nguyên tắc chung:

  • Điều trị viêm màng ngoài tim theo nguyên nhân gây bệnh. Có thể điều trị nội khoa và ngoại khoa

  • Điều trị nội khoa: Thuốc điều trị chủ yếu là thuốc kháng viêm không steroid (không do nhiễm khuẩn) hoặc thuốc kháng sinh (do nhiễm khuẩn).

  • Trong viêm màng ngoài tim nhiễm khuẩn có mủ, phải mở dẫn lưu màng tim để dẫn lưu mủ và rửa màng tim.

  • Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật cắt màng ngoài tim

Điều trị một số thể đặc biệt

  • Viêm màng ngoài tim do virus

    • Nguyên nhân chủ yếu do Coxackie virus nhóm B và Echovi-rút gây ra. Chẩn đoán dựa vào dấu hiệu nhiễm virus đường hô hấp, đau ngực xuất hiện sau đó với biến đổi điện tâm đồ và cuối cùng là các xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán.

    • Đại đa số các trường hợp bệnh tự khỏi. Đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng như viêm cơ tim, tái phát viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng tim, ép tim và viêm màng ngoài tim co thắt. Dấu hiệu lâm sàng và điều trị như các trường hợp viêm màng ngoài tim không rõ nguyên nhân.

  • Viêm màng ngoài tim do lao:

    • Dấu hiệu lâm sàng điển hình thường đến muộn, đa số các bệnh nhân chỉ có biểu hiện khó thở, sốt, ớn lạnh và ra mồ hôi về chiều tối.

    • Dấu hiệu hay gặp hơn: Đau ngực và tiếng cọ màng ngoài tim. Viêm màng ngoài tim do lao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt.

    • Chụp tim phổi: Thấy dấu hiệu của lao phổi mới hoặc cũ trong một số các trường hợp và dấu hiệu bóng tim to ra do có dịch ở màng ngoài tim. Cấy tìm vi khuẩn lao BK (AFB): Là xét nghiệm đặc hiệu cho chẩn đoán. Dịch cấy có thể lấy từ các dịch tiết của cơ thể (đờm, dịch dạ dày, dịch màng phổi...) hay từ chính dịch chọc hút của màng ngoài tim.

    • Xét nghiệm máu: Thường tăng bạch cầu đa nhân giai đoạn sớm và bạch cầu lympho giai đoạn muộn hơn, máu lắng thường tăng trong đa số các trường hợp

    • Siêu âm tim: Thấy dấu hiệu có dịch ở khoang màng tim với nhiều sợi fibrin, đồng thời có thể có dấu hiệu màng ngoài tim dày hơn so với bình thường.

    • Điều trị:

      • Thuốc Rifampicin 600mg/ngày, Isoniazid 300mg/ngày, Pyridoxine 50mmg/ngày phối hợp với Streptomycin 1g/ngày hoặc Ethambutol 15mg/kg/ngày trong 6 đến 9 tháng.

      • Cần sớm phẫu thuật cắt màng ngoài tim trong các trường hợp tràn dịch tái phát gây ép tim nhiều lần hay màng ngoài tim dày nhiều dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt.

  • Viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim

    • Do viêm màng ngoài tim phối hợp với hoại tử cơ tim nên bệnh nhân có nguy cơ suy tim ứ huyết và tỷ lệ tử vong trong vòng một năm cao.

    • Tất cả các trường hợp sau nhồi máu cơ tim cấp mà thấy bệnh nhân có tái phát đau ngực và nghe tim có tiếng cọ màng ngoài tim thì cần phải nghĩ đến viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim.

    • Điều trị aspirin là lựa chọn đầu tiên.

  • Viêm màng ngoài tim do ung thư.

    • Đại đa số các trường hợp là do di căn đến màng ngoài tim (ung thư phổi, ung thư vú, u lympho Hodgkin và không Hodgkin, lơ-xê-mi...). Ung thư nguyên phát màng ngoài tim hiếm gặp có thể do sarcome, mesothelioma, teratoma hay fibroma.

    • Điều trị chọc dẫn lưu dịch màng tim, rất tốt nếu có sự hướng dẫn của siêu âm, chỉ định cho các bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của tràn dịch màng ngoài tim mà số lượng khá nhiều.

Các câu hỏi liên quan bệnh Viêm màng ngoài tim

Whoops, looks like something went wrong.