Tóm tắt bệnh Viêm ruột thừa

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Viêm ruột tịt
  • Appendicitis

Ruột thừa là một đoạn ruột hẹp, kín, dài khoảng vài cm, bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Người ta cho rằng viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Ruột thừa không có chức năng và có thể vỡ nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Buồn nôn, nôn, đau bụng. Cơn đau thường bắt đầu ở trung tâm bụng, sau đó di chuyển đến phía dưới bên phải. Các khu vực khác của bụng và thậm chí phía bên trái bụng cũng bị đau, tuy không thường xuyên.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.
  • Xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh (CT hoặc siêu âm).
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm Lipase.

Điều trị

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Dùng kháng sinh sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng.

Tổng quan bệnh Viêm ruột thừa

Ruột thừa là gì?

Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng.

Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ nhưng lớp cơ này phát triển kém.

Viêm ruột thừa là gì?

Viêm ruột thừa là tình trạng viêm của ruột thừa. Người ta nghĩ rằng viêm ruột thừa là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Hiện tượng tắc nghẽn này là do tích tụ nhiều chất dịch nhầy trong lòng ruột thừa hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Chất nhầy hay phân trở nên cứng, giống như đá và làm tắc nghẽn lỗ thông.

Hiện tượng phân cứng như đá được gọi là 'sỏi phân' (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị canxi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng). Có thể có hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm trùng sẽ lan rộng vào trong ổ bụng. Tuy nhiên, hiện tượng nhiễm trùng này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa.

Đôi khi, viêm ruột thừa có thể tự khỏi mà không cần phẫu thuật nếu hiện tượng viêm và nhiễm trùng không lan rộng vào ổ bụng. Viêm, đau và các triệu chứng sẽ biến mất. Trường hợp này có thể gặp ở những người già và được sử dụng kháng sinh.

Những bệnh nhân này có thể một thời gian lâu sau khi bị viêm ruột thừa sẽ đến gặp bác sĩ vì một khối ở vùng bụng dưới phải do kết quả của hiện tượng tự 'chữa lành' của cơ thể.

Điều trị bệnh

Người ta không biết ruột thừa đóng vai trò gì trong cơ thể người và cũng không biết những vấn đề sức khoẻ về lâu dài do việc cắt bỏ ruột thừa gây ra.

  • Cắt ruột thừa cổ điển được thực hiện với gây mê. Một đường rạch nhỏ ở phần dưới của ổ bụng bên phải và qua đó ruột thừa được loại bỏ. Gần đây, cắt bỏ ruột thừa qua nội soi ổ bụng đang được thực hiện bởi các phẫu thuật viên. Cả hai phương pháp là những thủ thuật tốt và việc lựa chọn phương pháp nào phù hợp nhất được quyết định tốt nhất bởi phẫu thuật viên dựa trên cơ sở từng người.
  • Nếu ruột thừa không bị vỡ (thủng) tại thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân thường được cho về nhà trong vòng 1 đến 2 ngày. Nếu ruột thừa bị vỡ, thời gian nằm ở bệnh viện có thể từ 4 đến 7 ngày tuỳ vào mức độ trầm trọng của thủng và viêm phúc mạc. Kháng sinh đường tĩnh mạch được cho trong khi nằm viện để giúp tránh nhiễm trùng thêm và tạo áp xe.
  • Thỉnh thoảng, bệnh nhân có thể không đến bác sĩ cho đến khi viêm ruột thừa đã hiện diện trong nhiều ngày, thậm chí vài tuần. Trong trường hợp này, một ổ áp xe thường được hình thành. Nếu ổ áp xe nhỏ, nó có thể được điều trị ban đầu bằng kháng sinh. Nói chung, ổ áp xe cần phải được dẫn lưu.Nó thường được thực hiện với sự hỗ trợ của siêu âm, hoặc chụp cắt lớp điện toán. Thường không an toàn để cắt bỏ ruột thừa khi một ổ áp xe được hình thành rõ. Ruột thừa được cắt từ vài tuần đến vài tháng sau khi ổ áp xe đã hồi phục. Cách này được gọi là cắt ruột thừa lúc nghỉ (hay cắt ruột thừa thì 2) và thực hiện để tránh đợt viêm ruột thừa khác.

Các câu hỏi liên quan bệnh Viêm ruột thừa

Whoops, looks like something went wrong.