Nguy cơ chụp HSG ở phụ nữ đang mang thai mà không biết có thể gây ra sự gián đoạn thai kỳ, sự dịch chuyển trứng được thụ tinh vào ống dẫn trứng hay vào ổ bụng (thai ngoài tử cung), và ảnh hưởng tia bức xạ trên thai nhi đang phát triển. Số lượng bức xạ ảnh hưởng từ HSG phụ thuộc vào thiết bị kỹ thuật, số lượng phim chụp, thời gian chiếu tia, kích cỡ bệnh nhân... Mức phơi nhiễm bức xạ trong chụp HSG theo tính toán của Jongen là 3.7 mGy, một mức được cho là có khả năng gây ra nguy cơ thấp. Mặc dù sự gây quái thai khi phơi nhiễm trong tử cung với tia bức xạ không rõ, nhưng có lẽ cũng rất nhỏ. Do đó, bỏ thai không được khuyến cáo khi chỉ dựa trên cơ sở phơi nhiễm bức xạ trong chẩn đoán.
Cho đến nay, có trên 20 trường hợp được báo cáo mang thai mà không biết ở thời điểm chụp HSG. Tất cả em bé được sinh ra đều khỏe mạnh và không có bất kỳ khuyết tật bẩm sinh nào. Tia X sử dụng trong y khoa không làm tăng số lượng trẻ em sinh ra bị dị dạng hay khuyết tật bẩm sinh. Ngay cả trường hợp không phơi nhiễm với tia X, cũng có 4-6% trẻ sinh ra với một số dị tật.
Như vậy, khả năng sinh ra em bé có dị tật là thấp khi có hay không có phơi nhiễm với tia bức xạ. Do đó, nếu chị của bạn quyết định tiếp tục thai kỳ thì cần trao đổi với bác sĩ Sản khoa về chăm sóc và theo dõi, cũng như đánh giá nguy cơ thai nhi từng giai đoạn theo xét nghiệm sàng lọc để có hướng xử trí.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe.