cháu hôm đi đá bóng về và bị đá vào bắp chân xưng to lên cháu có đắp miếng salonsip và đã đỡ mới đây chưa khỏi hẳn cháu nhảy thế là tiếp đất bằng chân đau giờ bị sưng, đau lại và bị tím xưng phần mắt cá chân cho cháu hỏi như này là bị sao ạ
cháu cảm ơn ạ!
  • ThS BS CK II Nguyễn Ngọc Thạch


    Chào Minh Được

    Bs Thạch xem về mô tả, và hình ảnh, thì nhận thấy em đang có chấn thương ở vùng cổ chân
    Em nên chụp Xquang, để xem có tổn thương nứt hay gãy xương không nhé

    Về bong gân, Bs Thạch sẽ chia sẻ một số thông tin chi tiết hơn cho em, như sau:
    Vùng cổ chân là một phức hợp phức tạp của nhiều dây chằng, có vai trò hỗ trợ vững cổ chân và vận động của chúng ta
    Dây chằng bên ngoài: Gồm dây chằng sên mác, dây chằng gót mác, dây chằng sên mác sau
    Dây chằng bên trong, còn gọi tên khác là dây chằng Delta, gồm: Dây chằng chày thuyền, dây chằng chày gót, dây chằng chày sên sau, dây chằng chày sên trước
    Bao khớp cổ chân
    Dây chằng chày mác dưới trước và sau

    Bong gân chính là tổn thương của dây chằng, có thể là 1 dây đơn lẻ, nửa dây chằng (bán phần), hoặc nhiều dây chằng cổ chân.

    Độ I: Nhẹ, dây chằng bị kéo giãn, số lượng sợi của dây chằng bị rách khoảng 25%
    Dấu hiệu sưng đau nhẹ, không giới hạn vận động cơ- khớp, ấn vào thì bệnh nhân thấy đau tăng lên rất nhiều

    Độ II: Mức trung bình, dây chằng bị rách từ 25-75% số sợi trong dây chằng (nhìn phim MRI để biết mức độ rách này)
    Có thể nghe tiếng pực ngay khi chấn thương, báo hiệu có rách dây chằng, sau đó thì bệnh nhân thấy đau dữ dội, sưng bầm nhiều. Khám khớp cổ chân có thể thấy dấu hiệu mất vững

    Độ III: Mức nặng, đứt hoàn toàn dây chằng
    Dấu hiệu đau đớn rõ, khám thấy mất vững cổ chân

    Điều trị ban đầu
    Nghỉ ngơi: Ngừng vận động ngay lập tức, có thể dùng nẹp vải, nẹp bột cẳng bàn chân, nẹp hơi cổ chân để giữ ổn định cổ chân 24-72 giờ đầu
    Chườm lạnh: Việc này giúp co mạch, giảm chảy máu bên trong, giảm sưng, giảm viêm cấp tính
    Cách làm: Bỏ đá viên vào túi ni lông rồi rà lên vùng cổ chân trong 15 phút, lặp lại 3 lần. không làm quá lâu vì sẽ gây bỏng lạnh
    Băng ép: Biện pháp này giúp giảm chảy máu, giảm sưng, có thể thực hiện sau mỗi lần chườm lạnh. Quấn băng thun nhẹ nhàng, không quá chặt vì sẽ gây ứ máu, chèn thần kinh gây tê chân nhiều
    Kê cao chân: Giúp máu trở về tim nhanh, dễ hơn, giảm sưng, viêm. Khi nằm, kê cao 10cm là được, tương ứng với đặt chân lên gối.
    Những điều nên tránh:
    Tránh xoa bóp, tránh kéo nắn: Vì gây rách thêm dây chằng
    Tránh bôi dầu nóng: làm giãn mạch, tăng chảy máu, đau tăng lên nhiều

    Trên đây, là những điều cơ bản về bệnh bong gân cùng cổ chân. Để được khám chuyên sâu hơn, em cần gặp Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, để được chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ tổn thương và có kế hoạch điều trị tốt. Tránh việc bỏ sót tổn thương (có nứt gãy xương kèm theo nhưng không phát hiện ra)

    Hi vọng những chia sẻ của Bs Thạch sẽ hữu ích cho Minh Được. Chúc em khỏe.

Trả lời

Gửi trả lời

App Tdoctor dành cho bệnh nhân

App Tdoctor dành cho Bác sĩ