Thưa Bác sĩ! Con tôi còn 4 tháng nữa tròn 4 tuổi. Đến nay cháu vẫn chưa nói được một câu hoàn chỉnh. Cháu phải sử dụng 2 đến 3 cụm từ mới thành một câu. Cháu ăn, ngủ, chơi bình thường nhưng cháu hay xem tivi (bố mẹ cháu hay cho cháu xem để tiện làm việc nay đã ít cho xem). Cháu có thể tự chào bố mẹ khi đi học về hoặc khi bố mẹ đi làm về. Cháu gần gũi bố mẹ và rất tình cảm, cháu biết gọi bố mẹ để đòi 1 cái gì đó và chỉ vào vị trí cần lấy. Cháu biết đòi đi chơi, xang hàng xóm chơi bình thường. Trí tưởng tượng của cháu cũng khá tốt, VD: cầm một sợi dây có thể nghĩ ra con rồng hay con rắn, hai cái que đặt ngang lên nhau thì là cái máy bay. Cháu cũng có hành động diễn tả, VD: 2 tay đấm vào ngực là con khỉ đột, hai tay đưa ngang má và khom lưng kêu wam wam là con khủng long... Khi mẹ chỉ vào con vật hỏi thì cháu biết trả lời. Đến giờ hỏi cháu tên gì, bố tên gì, mẹ tên gì, nhà ở đâu cháu cũng đã trả lời được. Nhưng khi hỏi nhiều câu hỏi khác nhau thì cháu không trả lời, bố mẹ ít nhận được câu trả lời của cháu. VD: con ăn cơm không chỉ trả lời không ăn đâu khi không muốn ăn
Vậy con tôi bị tự kỷ hay chậm phát triển ngôn ngữ ạ?

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ được biểu hiện như sau:

Từ 3 – 6 tháng: trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Nói được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.
Từ 6 – 9 tháng: nói được 2 âm khác nhau như “ma ma”, “da da”.
Từ 9 – 12 tháng: trẻ phát âm “ê”, “a” kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo mỗi trẻ, nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có trẻ nói được khoảng 2 – 3 từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.
Từ 12 – 15 tháng: trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
Từ 15 – 18 tháng: sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố, hình con cá hoặc hình con chó…
Từ 18 tháng đến 2 năm: biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
Từ 2 – 3 tuổi: nói rất nhiều, biết từ 50 – 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không?. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.
Từ 3 – 4 tuổi: trẻ nói được các câu phức tạp trẻ bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao…
Thực tế, đúng là mỗi trẻ đều có một mức độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, hoàn cảnh sống, cách giáo dục của bố mẹ…Tuy nhiên hầu hết các bé trước 24 tháng đều nên nói được 25 từ cơ bản. Nếu không, có thể coi là chậm nói.
Trường hợp con bạn theo mô tả thì rất có thể bé thuộc dạng chậm nói đơn thuần. Nếu được giúp đỡ tốt thì bé có thể phát triển lời nói rất nhanh sẽ không bị chậm trễ về mặt ngôn ngữ khi đến tuổi đi học.
Để tránh thiệt thòi và có sự bổ xung kịp thời cho bé, gia đình nên đưa bé đến khám tại Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương, tại đó các bác sỹ sẽ thăm khám trực tiếp, đo các chỉ số, cho làm các xét nghiệm cần thiết, khi có kết luận chính xác bác sỹ sẽ có biện pháp cụ thể giúp bé phát triển bình thường.
Hy vọng thông tin trên giúp ích cho bạn.
Chúc sức khỏe hai mẹ con.

Trả lời

Gửi trả lời

App Tdoctor dành cho bệnh nhân

App Tdoctor dành cho Bác sĩ