Hiển thị tất cả Hướng dẫn sử dụng Chống chỉ định Tác dụng phụ Lưu ý Quá liều Bảo quản Tương tác

Hình ảnh thuốc

Tóm tắt thuốc

Số đăng ký:

VD-0930-06

Đóng gói:

Hộp 10 vỉ x 10 viên

Tiêu chuẩn:

Tuổi thọ:

Quốc gia sản xuất:

Công ty đăng ký:

Quốc gia đăng ký:

Loại thuốc:

Thuốc chẹn kênh Calci (điều trị đau thắt ngực và tăng huyết áp)

Hướng dẫn sử dụng

  • Cách dùng

    • Dạng viên nang: Thường dùng điều trị cơn cấp tính của bệnh tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực và bệnh Raynaud. Dạng này thường dùng đặt dưới lưỡi và dùng đường uống (cách dùng là chích thủng viên thuốc, nhai hoặc bóp hết dung dịch chứa trong viên thuốc vào miệng hoặc cắn vỡ viên thuốc rồi nuốt). Tuy nhiên gần đây, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy Nifedipin đặt cho tan dưới lưỡi có thể gây ra nhiều tai biến như tụt huyết áp quá mức, làm huyết áp dao động không kiểm soát được (nên hiện đã có khuyến cáo không được dùng để điều trị tăng huyết áp, đặc biệt trong cơn tăng huyết áp).

    • Dạng viên nén giải phóng chậm: Thường được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp, dự phòng đau thắt ngực và điều trị bệnh Raynaud. Với dạng viên này phải nuốt chửng nguyên viên thuốc, không được nhai, không bẻ hoặc làm vỡ viên thuốc.

  • Liều lượng

    • Tăng huyết áp: Dùng loại thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 - 40 mg/lần, ngày uống 2 lần hoặc 30 - 90mg ngày uống 1 lần hoặc 20 - 100 mg ngày uống 1 lần tùy theo chế phẩm đã dùng.

    • Dự phòng đau thắt ngực: Dùng thuốc tác dụng chậm và kéo dài 10 - 40 mg/lần, ngày uống 2 lần hoặc 30 - 90mg ngày uống 1 lần tùy theo chế phẩm.

    • Hội chứng Raynaud: Viên nang tác dụng nhanh 5 - 20mg, 3 lần mỗi ngày.

Thông tin về dược chất

Chống chỉ định

  • Sốc do tim.

  • Hẹp động mạch chủ nặng.

  • Nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng.

  • Cơn đau cấp trong đau thắt ngực ổn định mạn, nhất là trong đau thắt ngực không ổn định.

  • Rối loạn chuyển hóa Porphyrin.

Tác dụng phụ

1. Các tác dụng không mong muốn thường xảy ra ở giai đoạn đầu khi dùng thuốc và giảm dần sau vài tuần hoặc sau khi điều chỉnh lại liều điều trị. Các dạng viên nén thường ít gây tác dụng không mong muốn hơn dạng viên nang. Viên nang tác dụng ngắn, nhanh có thể gây hạ huyết áp quá mức và gây tim đập nhanh do phản xạ nên có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim hoặc não.

  • Thường gặp

    • Toàn thân: Phù mắt cá chân, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, nóng đỏ bừng mặt.

    • Tuần hoàn: Ðánh trống ngực, tim đập nhanh (xảy ra phổ biến và rất bất lợi, nhiều khi phải bỏ thuốc).

    • Tiêu hóa: Buồn nôn, ỉa chảy hoặc táo bón.

  • Ít gặp

    • Tuần hoàn: Hạ huyết áp, tăng nặng cơn đau thắt ngực.

    • Da: Ngoại ban, mày đay, ngứa.

  • Hiếm gặp

    • Toàn thân: Ban xuất huyết, phản ứng dị ứng.

    • Máu: Giảm bạch cầu hạt.

    • Tuần hoàn: Ngoại tâm thu, ngất.

    • Nội tiết: Chứng vú to ở nam giới có phục hồi.

    • Tiêu hóa: Tăng sản nướu răng (phì đại lợi răng).

    • Da: Viêm da nhạy cảm ánh sáng, viên da tróc vẩy.

    • Gan: Tăng enzym gan (Transaminase), ứ mật trong gan có hồi phục.

    • Hô hấp: Khó thở.

    • Chuyển hóa: Tăng đường huyết có phục hồi.

    • Cơ - xương: Ðau cơ, đau khớp, run.

    • Thần kinh: Dị cảm.

    • Tâm thần: Lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, hồi hộp.

2. Cách xử trí

  • Các tác dụng không mong muốn của Nifedipin như chóng mặt, đỏ bừng mặt, đau đầu, hạ huyết áp, phù ngoại vi... thường là do tác dụng giãn mạch của thuốc gây nên.

  • Một nghịch lý xảy ra trong quá trình điều trị là ở một số người bệnh khi mới bắt đầu điều trị có hiện tượng đau thắt ngực tăng lên do huyết áp giảm đột ngột có thể gây thiếu máu cục bộ ở não, cơ tim, và một số người bệnh có thể bị mù thoáng qua. Khi gặp các tác dụng không mong muốn này thì nên ngừng điều trị ngay. Tuy nhiên các tác dụng không mong muốn nặng của Nifedipin đòi hỏi phải ngừng điều trị hoặc phải giảm liều thường ít gặp.

Lưu ý

1. Thận trọng:

  • Sau khi bắt đầu điều trị, nếu thấy cơn đau do thiếu máu cục bộ xuất hiện hoặc cơn đau hiện có nặng lên nhanh chóng, cần phải ngừng thuốc.

  • Phải dùng thận trọng Nifedipin khi người bệnh bị suy tim hoặc chức năng thất trái bị suy vì suy tim có thể nặng lên. Phải ngừng thuốc.

  • Phải giảm liều khi có tổn thương gan, đái tháo đường.

  • Tránh dùng nước ép bưởi vì có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc.

  • Nifedipin có thể ức chế chuyển dạ đẻ.

  • Thời kỳ mang thai: Các thuốc ức chế calci nói chung đều ức chế co bóp tử cung ở giai đoạn đầu, nhưng chưa có bằng chứng chắc chắn rằng thuốc làm chậm sinh đẻ. Tuy nhiên thuốc gây ra một số tai biến như: Gây thiếu oxy cho bào thai do giãn mạch, hạ huyết áp ở mẹ, làm giảm tưới máu tử cung và nhau thai. Các nghiên cứu trên súc vật cho thấy Nifedipin gây độc đối với bào thai và gây quái thai, thường gặp là các biến dạng xương. Vì vậy không được dùng cho người mang thai trừ khi thật cần thiết.

  • Thời kỳ cho con bú: Do Nifedipin đạt nồng độ cao trong sữa mẹ nên có thể gặp các tai biến đối với trẻ bú mẹ ngay cả ở liều bình thường. Vì vậy không dùng thuốc này cho người đang cho con bú, hoặc phải thôi không cho trẻ bú mẹ nếu mẹ dùng thuốc.

Quá liều

  • Triệu chứng: Các kinh nghiệm phát hiện quá liều Nifedipin còn ít. Nói chung tương tự các triệu chứng của các tác dụng không mong muốn nhưng ở mức độ nặng hơn như: Buồn nôn, đau đầu, hạ huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm, đỏ bừng mặt, hạ Kali máu, blốc nhĩ thất...

  • Xử trí: Phải nhanh chóng rửa dạ dày, uống than hoạt. Nhanh chóng dùng các biện pháp điều trị hỗ trợ và triệu chứng. Nếu hạ huyết áp, đặt người bệnh nằm ngửa, kê cao chân rồi truyền dịch để làm tăng lượng huyết tương, tuy nhiên cần phải tránh quá tải đối với tim. Nếu huyết áp chưa điều hòa được thì tiêm tĩnh mạch Calci Gluconat hoặc Calci Clorid. Nếu người bệnh vẫn còn hạ huyết áp thì cần phải truyền các thuốc cường giao cảm như: Isoprenalin, Dopamin hoặc Noradrenalin. Nếu nhịp tim chậm thì dùng Atropin, Isoprenalin hoặc đặt máy tạo nhịp. Nếu nhịp tim nhanh, nhịp nhanh thất hoặc rung nhĩ thì khử rung, tiêm tĩnh mạch Lidocain hoặc Procainamid. Nếu co giật thì truyền tĩnh mạch Diazepam hoặc Phenytoin.

Bảo quản

  • Dạng viên nang nên bảo quản trong lọ sẫm màu để tránh ánh sáng, nút chặt và để ở nhiệt độ 15 - 25 độ C.

  • Dạng viên nén để trong các lọ nút chặt, ở nhiệt độ dưới 30 độ C.

Tương tác

Khi dùng đồng thời Nifedipin với các thuốc khác có thể xảy ra nhiều tương tác thuốc. Dưới đây là một số tương tác thuốc thường gặp:

  • Các thuốc chẹn beta giao cảm: Mặc dù Nifedipin cũng hay dùng phối hợp với các thuốc chẹn beta và thường dung nạp tốt, nhưng phải thận trọng vì có thể làm hạ huyết áp quá mức, tăng cơn đau thắt ngực, suy tim xung huyết và loạn nhịp tim, đặc biệt hay gặp ở người bệnh chức năng tim giảm. Tuy nhiên, lợi ích của Nifedipin mang lại vẫn vượt xa các bất lợi có thể xảy ra.

  • Các thuốc kháng thụ thể H2 - Histamin: Dùng đồng thời Nifedipin với Cimetidin có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh và tăng tác dụng của Nifedipin, do vậy cần giảm liều khi phối hợp (cơ chế của tương tác này là do Cimetidin ức chế chuyển hóa Nifedipin thông qua ức chế enzym Cytochrom P450). Tuy nhiên với Ranitidin thì chỉ có tương tác ít, còn Famotidin thì không tương tác với Nifedipin.

  • Fentanyl: Hạ huyết áp mạnh xảy ra trong khi phẫu thuật ở người bệnh dùng đồng thời Nifedipin và Fentanyl. Các nhà sản xuất thuốc khuyên nếu trong phẫu thuật phải dùng liều cao Fentanyl thì phải tạm ngừng Nifedipin ít nhất 36 giờ trước khi phẫu thuật, nếu tình trạng người bệnh cho phép.

  • Các thuốc chống động kinh: Dùng Nifedipin đồng thời với các thuốc chống động kinh như Phenytoin sẽ làm tăng nồng độ Phenytoin trong huyết tương, do đó tác dụng và độc tính của Phenytoin (như đau đầu, rung giật nhãn cầu, run, rối loạn vận ngôn, trầm cảm...) đều tăng lên.

  • Theophylin: Nifedipin làm giảm nồng độ của Theophylin trong huyết tương. Dùng Nifedipin cùng với Theophylin làm thay đổi kiểm soát hen.

  • Quinidin: Nifedipin có thể làm giảm đáng kể nồng độ trong huyết thanh của Quinidin ở một số người bệnh này nhưng lại không ảnh hưởng với một số bệnh khác.

  • Digoxin: Nifedipin làm tăng nồng độ trong huyết thanh của Digoxin khoảng 15 - 45% khi dùng đồng thời, vì vậy phải theo dõi các dấu hiệu về ngộ độc digoxin và giảm liều nếu cần.

  • Chẹn giao cảm alpha: Các thuốc chẹn alpha, đặc biệt là Prazosin có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp do Nifedipin ức chế chuyển hóa của Prazosin, phải thận trọng.

  • Các thuốc chẹn Calci khác: Nồng độ trong huyết tương của cả Nifedipin và Diltiazem đều tăng khi dùng phối hợp 2 thuốc này với nhau. Ðiều này có thể là do cả 2 thuốc đều được chuyển hóa bởi cùng một enzym gan, nên làm giảm chuyển hóa của mỗi thuốc.

  • Các thuốc chống kết tụ tiểu cầu: Tác dụng chống kết tụ tiểu cầu tăng lên nếu phối hợp Nifedipin với Aspirin hoặc Ticlodipin.

  • Các chất ức chế miễn dịch: Cyclosporin làm giảm chuyển hóa của Nifedipin thông qua ức chế cạnh tranh enzym chuyển hóa Cytochrom P450.

  • Rifampicin: Rifampicin gây cảm ứng enzym Cytochrom P450 ở gan, làm giảm nồng độ Nifedipin trong huyết tương và làm tăng các cơn đau thắt ngực.

  • Các thuốc chống viêm phi Steroid: Indomethacin và các thuốc chống viêm phi Steroid khác có thể đối kháng với tác dụng chống tăng huyết áp của các thuốc chẹn calci thông qua ức chế tổng hợp Prostaglandin ở thận, hoặc gây ứ muối và nước.

  • Nước ép quả bưởi: Khi uống nước ép quả bưởi với Nifedipin sẽ làm tăng sinh khả dụng của Nifedipin. Tương tác này có thể là do một số thành phần trong nước bưởi gây ức chế enzym P450.

  • Rượu: Làm tăng sinh khả dụng và ức chế chuyển hóa của Nifedipin. Kết quả là nồng độ trong huyết thanh và tác dụng của Nifedipin tăng lên.

  • Các tương tác khác: Thận trọng khi dùng đồng thời Nifedipin với các thuốc sau: Các thuốc chống đông máu (dẫn chất Coumarin và Indandion), các thuốc chống co giật (Hydantoin), Quinin, các Salicylat, Sulfinpyrazon, Estrogen, Amphotericin B, các thuốc ức chế enzym Carbonic Anhydrase, các Corticoid, các thuốc lợi tiểu thải Kali (như Bumetanid, Furosemid, acid Ethacrynic), Natri Phosphat...