Hiển thị tất cả Thông tin dược chất Chống chỉ định Tác dụng phụ Lưu ý Quá liều Bảo quản Tương tác

Hình ảnh thuốc

Tóm tắt thuốc

Số đăng ký:

VN-14981-12

Đóng gói:

Hộp 5lọ x 10ml; 50 lọ x 10ml; 100 lọ x 10ml

Tiêu chuẩn:

USP 32

Tuổi thọ:

36 tháng

Công ty sản xuất:

Solupharm GmbH Pharmazeutische Erzeugnisse

Quốc gia sản xuất:

Germany

Công ty đăng ký:

Công ty TNHH Bình Việt Đức

Quốc gia đăng ký:

Công ty TNHH Bình Việt Đức

Loại thuốc:

Thuốc mê

Thông tin về dược chất

1. Loại thuốc:

Thuốc mê không thuộc loại Barbiturat

2. Dạng thuốc và Hàm lượng:

  • Ketamin tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp dưới dạng Ketamin hydroclorid. Liều lượng được tính theo Ketamin base.

  • Lọ 20 ml (10 mg/ml), dung dịch được pha đẳng trương với Natri clorid.

  • Lọ 10 ml (50 mg/ml), 5 ml (100 mg/ml).

  • Hai loại sau có chứa thêm Phemerid (Benzathonium clorid) 1:10000 làm chất bảo quản.

3. Dược lý và Cơ chế tác dụng:

Ketamin có tác dụng gây mê phân lập do cắt đứt chọn lọc những con đường hội tụ ở não, thuốc gây dịu thần kinh và làm mất trí nhớ trong đó người bệnh vẫn có vẻ tỉnh nhưng cách biệt với môi trường, bất động và không cảm thấy đau. Với liều thấp không đủ gây mê, Ketamin có tác dụng giảm đau có thể do tương tác với các Amin sinh học và Opiat. Bình thường Ketamin không ảnh hưởng trên các phản xạ ở họng và thanh quản; trương lực cơ vẫn bình thường hoặc hơi tăng.

Tác dụng kích thích hô hấp và tim mạch của Ketamin có thể sử dụng cho những người có nguy cơ cao trong sốc do giảm thể tích máu. Thuốc có tác dụng giãn phế quản và do đó cũng có thể dùng cho những người bị hen phế quản và điều trị hen bằng thở máy. Tác dụng giống giao cảm bị ức chế nếu đã dùng trước các thuốc kháng Acetylcholin. Có thể sử dụng tác dụng giảm đau của Ketamin để hỗ trợ cho gây tê từng vùng hay trong các trường hợp chấn thương rộng. Trên lâm sàng Ketamin thường phối hợp với đa số thuốc mê thông thường và các thuốc giãn cơ nếu hô hấp cuả người bệnh vẫn được duy trì.

Tiêm tĩnh mạch liều 2,0 mg/kg có tác dụng gây mê để phẫu thuật trong vòng 1 phút sau khi tiêm và kéo dài tác dụng 5 - 15 phút. Tiêm bắp liều 10 mg/kg có tác dụng gây mê để phẫu thuật trong 3 - 5 phút sau khi tiêm và kéo dài tác dụng 12 - 25 phút. Ðể kéo dài thời gian gây mê hay giảm đau có thể tiếp tục truyền nhỏ giọt Ketamin.

4. Dược động học

Ketamin hấp thu nhanh sau khi tiêm và phân bố nhanh vào các mô được tưới máu tốt kể cả não. Nghiên cứu trên súc vật cho thấy Ketamin tập trung nhiều ở mô mỡ, gan và phổi. Nửa đời phân bố khoảng 7 - 11 phút và thể tích phân bố khoảng 3,3 lít/kg. Ketamin chuyển hóa ở gan tạo thành chất chuyển hóa có hoạt tính. Các đường chuyển hóa khác là phản ứng Hydroxyl hóa vòng Cyclohexan và liên hợp với Acid glucuronic. Tuy nhiên tác dụng gây mê có thể chấm dứt khi có sự phân bố lại nồng độ thuốc từ não đến các tổ chức ngoại vi: 90% liều được bài xuất ra nước tiểu trong đó có khoảng 4% dưới dạng Ketamin nguyên vẹn, 5% được thải trừ theo đường phân. Nửa đời thải trừ là khoảng 2 - 3 giờ và tốc độ thanh thải là 1,3 lít/phút.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc ở những người bị cao huyết áp vì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả những người có tiền sử tai biến mạch máu não. Không chỉ định cho người bệnh bị sản giật hay tiền sản giật.

Tác dụng phụ

1. Tác dụng không mong muốn (ADR):

  • Thường gặp, ADR> 1/100

    • Tim mạch: Huyết áp có thể tăng. Mức độ tăng huyết áp thay đổi từ 20 - 25% so với trước khi gây mê. Nhịp tim nhanh cũng thường thấy sau khi dùng Ketamin.

    • Thần kinh: Tăng trương lực cơ, có các biểu hiện cử động co cứng và giật rung đôi khi giống như cơn động kinh. Những biểu hiện này không phải do mức độ gây mê còn nhẹ và không cần tăng thêm thuốc mê.

    • Tâm thần: Các phản ứng cấp gồm mê sảng, đặc trưng bởi những giấc mơ sống động (vui vẻ hay không vui vẻ) hoặc ảo tưởng có hay không kèm theo hoạt động tâm thần vận động, được biểu hiện bằng lú lẫn và hành vi kích động, ảo thị giác. Thường gặp nhiều hơn ở những người bệnh trong khoảng 15 - 45 tuổi. Mặc dù những giấc mơ và ảo giác thường bị mất đi khi tỉnh dậy nhưng một số người có thể hồi tưởng lại vài tuần sau phẫu thuật.

    • Biểu hiện khác: Run, phát âm ngọng.

  • Ít gặp, 1/1000< ADR< 1/100

    • Tim mạch: Nhịp tim chậm, hạ huyết áp.

    • Hô hấp: Suy hô hấp, có thể dẫn tới ngừng thở nếu tiêm tĩnh mạch quá nhanh hoặc tiêm liều cao.

    • Tâm lý: Giống như ở trên đối với những người bệnh dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi.

    • Tiêu hóa: Nôn nhưng thường không nặng.

  • Hiếm gặp, ADR< 1/1000

    • Tim mạch: Loạn nhịp tim.

    • Hô hấp: Co thắt thanh quản hay các dạng tắc đường hô hấp khác.

    • Tiêu hóa: Ăn không thấy ngon, buồn nôn hoặc nôn.

    • Nhãn khoa: Nhìn đôi, rung giật nhãn cầu (nháy mắt), tăng nhẹ nhãn áp.

    • Biểu hiện khác: Ðau chỗ tiêm, ban đỏ tạm thời và/hoặc ban dạng sởi.

2. Hướng dẫn cách xử trí ADR:

  • Có một số biện pháp có thể làm giảm các phản ứng cấp:

    • Cho uống trước Lorazepam 4 mg hoặc Diazepam 10 mg.

    • Tiêm tĩnh mạch Diazepam 0,15 - 0,3 mg/kg vào cuối thời gian gây mê hay Midazolam 125 microgam/kg 3 phút trước lúc khởi mê.

    • Dùng liều khởi đầu không quá 2 mg/kg và duy trì mê với liều 0,5 - 1 mg/kg.

    • Truyền tĩnh mạch nhỏ giọt liều thấp.

    • Dùng Glycopyrolat thay cho Atropin hoặc Scopolamin trong tiền mê.

    • Duy trì gây mê bằng các thuốc khác.

  • Ðiều trị các phản ứng không mong muốn:

    • Ðối với suy hô hấp hay ngừng thở: Nên hỗ trợ hô hấp bằng máy trước khi dùng các thuốc hồi sức.

    • Ðối với phản ứng cấp nguy kịch: Dùng Barbiturat có tác dụng ngắn hay cực ngắn.

Lưu ý

1. Thận trọng:

Thận trọng:

  • Chỉ được dùng thuốc tại bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc gây mê có kinh nghiệm, trừ trường hợp cấp cứu.

  • Giống như đối với mọi thuốc mê, phải có sẵn các trang bị hồi sức để cấp cứu.

  • Các Barbiturat và Ketamin tương kỵ nhau về mặt hóa học do tạo thành tủa, vì vậy không tiêm cùng một bơm tiêm.

  • Dùng Barbiturat hoặc thuốc ngủ cùng với Ketamin có thể kéo dài thời gian hồi phục.

  • Trong thời gian hồi phục có thể có hiện tượng mê sảng cấp. Tỷ lệ phản ứng này có thể giảm bớt nếu giảm thiểu kích thích người bệnh bằng lời và bằng xúc giác, nhưng vẫn phải theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Không nên dùng Ketamin cho những người dễ bị ảo giác hoặc rối loạn tâm thần.

  • Ketamin có thể gây tăng nhãn áp và không dùng khi có tổn thương ở mắt hay tăng nhãn áp.

  • Vì các phản xạ họng và thanh quản thường vẫn hoạt động, nên tránh kích thích họng bằng cơ học, trừ khi đã dùng thuốc giãn cơ.

  • Mặc dù đã có báo cáo về khả năng hít phải chất cản quang khi dùng Ketamin trong gây mê thực nghiệm, song trên thực tế lâm sàng ít khi có vấn đề này.

  • Nên theo dõi liên tục chức năng tim trong quá trình gây mê ở những người bệnh có cao huyết áp hay suy tim mất bù.

  • Vì đã có trường hợp tăng áp lực dịch não tủy trong khi gây mê bằng Ketamin, nên cần phải lưu ý đặc biệt đối với những người bệnh có áp lực dịch não tủy tăng trước khi gây mê.

  • Nên tiêm liều tĩnh mạch trong thời gian 60 giây, nếu nhanh hơn có thể gây hiện tượng suy hô hấp tạm thời hoặc ngừng thở.

  • Trong các phẫu thuật có gây đau nội tạng, nên dùng Ketamin phối hợp với một thuốc giảm đau nội tạng.

  • Dùng thận trọng đối với người nghiện rượu và nhiễm độc rượu cấp.

  • Khi dùng Ketamin người cho bệnh ngoại trú, không nên cho về khi chưa hồi phục hoàn toàn khỏi cơn mê.

Thời kỳ mang thai:

Nghiên cứu ảnh hưởng của Ketamin trên thai nhi khi dùng thuốc trong lúc đẻ cho thấy liều lớn hơn 2 mg/kg có thể gây suy yếu và làm tăng trương lực cơ trẻ sơ sinh. Với liều thấp hơn (0,25 - 0,5 mg/kg) tuy an toàn trong giảm đau, song vẫn phải thận trọng.

Thời kỳ cho con bú:

Chưa có tài liệu nào nói về những tai biến xảy ra ở người. Tuy nhiên vì nửa đời thải trừ của Ketamin là 2,17 giờ ở những người bệnh không dùng thuốc trước đó, cho nên sau khoảng 11 giờ, không còn thấy thuốc trong huyết tương của người mẹ nữa. Vì vậy cho bú sau thời gian này sẽ không có một lượng Ketamin đáng kể gây tác dụng dược lý ở trẻ.

Quá liều

Dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp, vì vậy nên dùng biện pháp thông khí để hỗ trợ. Trợ hô hấp bằng máy để duy trì độ bão hòa Oxygen thích hợp trong máu và đào thải Carbondioxyd thường được sử dụng hơn là dùng thuốc hồi sức.

Ketamin có độ an toàn lớn, một số trường hợp dùng quá liều Ketamin không chủ định (gấp 10 lần liều thường dùng) đã được theo dõi trong một thời gian dài song vẫn được hồi phục hoàn toàn.

Bảo quản

  • Thuốc được bảo quản dưới 40oC, tốt nhất là 15 - 30 độ C trừ khi có yêu cầu đặc biệt của nơi sản xuất.

  • Tránh ánh sáng và nóng, tránh đóng băng.

  • Dung dịch 1 mg/ml Ketamin trong Dextrose 5% hay Natri Clorid 0,9% bền vững trong 24 giờ.

Tương tác

Khi dùng phối hợp với Tubocurarin và Atracurium, Ketamin làm tăng tác dụng ức chế thần kinh cơ của các thuốc này.

Dùng Ketamin cùng với Theophylin làm tăng nguy cơ gây cơn động kinh và nhịp tim nhanh.

Nên dùng thận trọng Ketamin đối với người bệnh đang dùng hormon giáp trạng vì có nguy cơ tăng huyết áp và nhịp tim nhanh.

Các thuốc mê đường hô hấp loại Halogenhydrocarbon như Enfluran, Halothan, Isofluran và Methoxyfluran có thể kéo dài nửa đời thải trừ của Ketamin. Vì vậy khi dùng phối hợp với các thuốc này có thể làm chậm sự hồi phục của người bệnh sau gây mê.

Các thuốc chống cao huyết áp hay ức chế thần kinh trung ương kể cả những thuốc dùng để tiền mê hay khởi mê, bổ sung hoặc duy trì mê có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp hoặc ức chế hô hấp khi dùng kết hợp với Ketamin.