Hiển thị tất cả Thông tin dược chất Chống chỉ định Tác dụng phụ Lưu ý Quá liều Bảo quản Tương tác

Hình ảnh thuốc

Tóm tắt thuốc

Số đăng ký:

VD-18694-13

Đóng gói:

Hộp 1 tuýp nhựa 5g

Tiêu chuẩn:

TCCS

Tuổi thọ:

24 tháng

Công ty sản xuất:

Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm

Quốc gia sản xuất:

Việt Nam

Công ty đăng ký:

Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm

Quốc gia đăng ký:

Công ty cổ phần dược phẩm Agimexpharm

Loại thuốc:

Thuốc chống nấm

Thông tin về dược chất

1. Loại thuốc:

Chống nấm có hoạt phổ rộng

2. Dạng thuốc và hàm lượng:

Viên nén 200 mg, hỗn dịch 100 mg/5 ml, kem bôi ngoài 2%, xà phòng gội đầu 2%.

3. Dược lý và cơ chế tác dụng:

  • Ketoconazol thường có tác dụng kìm hãm nấm nhưng thuốc cũng có thể diệt nấm ở nồng độ cao và dùng kéo dài hoặc trên nấm rất nhạy cảm.

  • Cũng như các dẫn chất Azol chống nấm khác, Ketoconazol ức chế hoạt tính của Cytochrom P450 là hệ Enzym cần thiết cho quá trình khử Methyl các 14 Alpha - Methyl - Sterol (thí dụ Lanosterol) thành Ergosterol là Sterol chính của màng tế bào nấm, lượng Ergosterol bị giảm sẽ làm thay đổi tính thấm và chức năng của màng tế bào. Tác dụng diệt nấm của Ketoconazol ở nồng độ cao có thể là do tác dụng hóa lý trực tiếp của thuốc trên màng tế bào nấm. Với Candida albicans, các thuốc chống nấm loại Azol ức chế sự biến đổi từ dạng bào tử chồi thành thể sợi có khả năng xâm nhập gây bệnh.

  • Ketoconazol là thuốc chống nấm có phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây bệnh như Candida spp, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis, Epidermophyton floccosum, Histoplasma capsulatum, Paracoccidioides brasiliensis, Malassezia furfur, Microsporum canis, Trichophyton mentagrophytes và T. rubrum, một vài chủng Aspergillus spp, Cryptococcus neoformans và Sporothrix schenckii. Thuốc còn tác dụng trên một vài vi khuẩn Gram dương.

4. Dược động học

  • Ketoconazol hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa, tốt nhất là ở pH Acid ở người lớn khỏe mạnh lúc đói sinh khả dụng của thuốc uống ở dạng viên nén thông thường hay hỗn dịch là tương tự, nhưng ở dạng dung dịch thì hơi cao hơn.

  • Sau khi uống, thuốc hòa tan trong dịch dạ dày và chuyển thành dạng muối Hydroclorid rồi được hấp thu ở dạ dày. Sinh khả dụng của thuốc uống phụ thuộc vào pH dạ dày, pH tăng sẽ làm giảm hấp thu thuốc, do đó nếu dùng đồng thời với các thuốc làm tăng pH dạ dày sẽ làm giảm hấp thu Ketoconazol. Ảnh hưởng của thức ăn đối với tốc độ và mức độ hấp thu thuốc ở dạ dày còn chưa được xác định rõ, tuy nhiên nhà sản xuất cho rằng dùng Ketoconazol với thức ăn sẽ làm tăng mức độ hấp thu thuốc và làm cho nồng độ thuốc trong huyết tương đậm đặc hơn, đó là do thức ăn làm tăng tốc độ và mức độ hòa tan của thuốc.

  • Nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương đạt được sau khi uống 1 - 2 giờ. Có sự khác nhau nhiều về tốc độ và mức độ hấp thu giữa những người bệnh.

  • Ketoconazol phân bố vào các dịch khớp bị viêm, nước bọt, mật, nước tiểu, sữa, ráy tai có chất nhờn, phân, gân, da, các mô mềm, tinh hoàn (một lượng nhỏ), thuốc qua được nhau thai nhưng không qua được hàng rào máu - não nên chỉ đạt một lượng không đáng kể trong dịch não tủy.

  • Tỉ lệ liên kết với protein huyết tương là 84 - 99%, chủ yếu là với Albumin.

  • Nồng độ thuốc trong huyết tương diễn biến theo kiểu 2 pha, có nửa đời xấp xỉ 2 giờ ở pha đầu và xấp xỉ 8 giờ ở pha cuối.

  • Ketoconazol chuyển hóa một phần ở gan tạo ra các dẫn chất không có hoạt tính qua quá trình Oxy hóa và thoái giáng vòng Imidazol và Piperazin, quá trình O - dealkyl Oxy hóa và Hydroxyl hóa nhân thơm. Con đường chính thải trừ thuốc và các chất chuyển hóa của nó là qua mật rồi vào phân.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với thuốc.

Tác dụng phụ

1. Tác dụng không mong muốn (ADR):

  • Thường gặp, ADR> 1/100

    • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn (khoảng 3 - 10% người bệnh), đau bụng, táo bón, đầy hơi, chảy máu đường tiêu hóa, ỉa chảy. Các tác dụng này có liên quan đến liều dùng và có thể giảm thiểu nếu dùng thuốc cùng với thức ăn.

    • Da: Ngứa (khoảng 2% người bệnh), ngoại ban.

  • Ít gặp, 1/1000< ADR< 1/100

    • Gan: Tăng tạm thời nồng độ Transaminase trong huyết thanh.

    • Thần kinh: Ðau đầu, chóng mặt, kích động, ngủ gà hoặc sốt.

    • Da: Phát ban, viêm da, ban xuất huyết và mày đay.

  • Hiếm gặp, ADR< 1/1000

    • Toàn thân: Phản ứng phản vệ, phản ứng quá mẫn.

    • Thần kinh: Rối loạn thần kinh - tâm thần (khuynh hướng tự tử, trầm cảm nặng...).

    • Nội tiết: Vú to (do tác dụng tăng Prolactin bởi tuyến yên) và giảm khả năng tình dục ở người bệnh nam (do ức chế quá trình tổng hợp Testosteron).

    • Gan: Viêm gan.

    • Cơ xương: Chứng yếu cơ và đau cơ.

Các tác dụng khác: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, tăng Triglycerid huyết; thiểu năng tuyến thượng thận, rụng lông, tóc, dị cảm, các biểu hiện tăng áp lực nội sọ; kích ứng, cảm giác rát bỏng ở nơi bôi thuốc.

Viêm gan thường biểu hiện rõ trong vòng vài tháng điều trị đầu tiên nhưng đôi khi cũng xuất hiện trong tuần điều trị đầu tiên.

Hầu hết các trường hợp độc với gan đã được ghi nhận là ở các người bệnh dùng thuốc trị nấm móng và ở nhiều người khác dùng thuốc trị các bệnh nấm da mạn tính dai dẳng.

Mặc dù tác dụng độc do Ketoconazol gây ra với gan thường có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc vài tháng nhưng cũng đã xảy ra một số hiếm trường hợp xấu (như hoại tử gan cấp, biến đổi mỡ ở gan hoặc tử vong).

2. Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Nếu phải điều trị kéo dài thì trước khi dùng thuốc, cần xét nghiệm chức năng gan và suốt thời gian điều trị cứ 1 hoặc 2 tháng lại kiểm tra ít nhất một lần, đặc biệt là những người bệnh đang dùng các thuốc khác có độc tính mạnh với gan. Khi kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng đáng kể, hay thay đổi không bình thường kéo dài, hoặc xấu đi, hoặc kèm theo những biểu hiện rối loạn chức năng gan khác, cần ngừng thuốc.

Lưu ý

1. Thận trọng:

Thận trọng:

  • Ketoconazol có thể gây độc cho gan vì thế không nên dùng cho những người đã bị bệnh gan. Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác.

  • Vì Ketoconazol cũng có khả năng ức chế quá trình tổng hợp các Steroid và chuyển hóa Vitamin D, do đó khi điều trị kéo dài ở trẻ em nên hết sức thận trọng.

  • Dùng Ketoconazol kéo dài nhằm dự phòng các bệnh nấm cho những người suy giảm miễn dịch có thể gây ra những thay đổi hormon nghiêm trọng.

Thời kỳ mang thai:

  • Ketoconazol gây quái thai ở chuột (dính ngón và thiếu ngón) ở liều 80 mg/kg/ngày (gấp 10 lần liều uống tối đa khuyên dùng cho người).

  • Ketoconazol qua được nhau thai, nhưng còn chưa có những nghiên cứu đầy đủ ở người. Thuốc chỉ dùng cho người mang thai khi lợi ích điều trị xác đáng hơn các nguy cơ có thể gây ra cho thai nhi.

Thời kỳ cho con bú:

  • Thuốc có thể tiết vào sữa, do đó người mẹ đang điều trị với Ketoconazol không nên cho con bú​

Quá liều

Trường hợp quá liều, nên rửa dạ dày với Natri Bicarbonat.

Bảo quản

  • Bảo quản các chế phẩm Ketoconazol ở nhiêt độ thích hợp từ 15 đến 30 độ C trong các chai lọ và hộp kín, nút chặt.

  • Tránh để đông lạnh dạng hỗn dịch uống và kem bôi ngoài.

  • Dạng xà phòng gội đầu cần tránh ánh sáng.

Tương tác

  • Với các thuốc ảnh hưởng đến độ Acid ở dạ dày: Vì độ Acid ở dạ dày cần thiết để hòa tan và hấp thu Ketoconazol, nếu dùng cùng với các thuốc làm giảm độ Acid hoặc làm tăng pH ở dạ dày (như các chất kháng Acid, Cimetidin, Ranitidin, các chất kháng Muscarin) có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc chống nấm. Hấp thu Ketoconazol cũng bị giảm khoảng 20% khi dùng cùng với Sucralfat (nhưng không phải do làm tăng pH dạ dày). Nếu cần thiết phải sử dụng các thuốc có ảnh hưởng đến độ Acid của dạ dày hoặc Sucralfat cho người bệnh đang điều trị Ketoconazol thì các thuốc này phải cho dùng sau khi uống Ketoconazol ít nhất là 2 giờ.

  • Với thuốc gây độc cho gan: Vì Ketoconazol có độc tính cao với gan nên khi người bệnh dùng thuốc chống nấm đồng thời với các thuốc khác cũng có khả năng gây độc cho gan, thì phải theo dõi cẩn thận, nhất là đối với những người cần điều trị kéo dài hoặc đã có tiền sử bị bệnh gan.

  • Với Terfenadin và Astemisol: Kéo dài khoảng QT và những tác dụng trên tim mạch tuy hiếm nhưng nguy hiểm như loạn nhịp tim, ngừng tim, đánh trống ngực, ngất và tử vong đã xảy ra trong số những người bệnh dùng Ketoconazol đồng thời với Terfenadin ở các liều khuyên dùng. Những tác dụng tương tự trên tim mạch cũng xảy ra khi dùng Ketoconazol và Erythromycin đồng thời với những liều khuyên dùng của Astemisol.

  • Với Cisaprid: Ketoconazol ức chế chuyển hóa Cisaprid. Dùng đồng thời Ketoconazol và Cisaprid, sẽ làm tăng đáng kể nồng độ Cisaprid trong huyết tương và một số hiếm trường hợp có khoảng QT bị kéo dài, nhịp nhanh thất, rung thất và xoắn đỉnh. Do đó cấm dùng đồng thời Ketoconazol và Cisaprid.

  • Với Midazolam và Triazolam: Nếu dùng đồng thời, Ketoconazol sẽ ảnh hưởng tới dược động học của Midazolam hoặc Triazolam gây tăng nồng độ đỉnh trong huyết tương và kéo dài nửa đời huyết tương của các Benzodiazepin này. Vì nồng độ trong huyết tương tăng, nên tác dụng an thần và gây ngủ của 2 thuốc trên có thể sẽ mạnh hơn và kéo dài hơn. Cấm dùng đồng thời Ketoconazol và Triazolam. Cần đặc biệt thận trọng nếu tiêm Midazolam cho người bệnh đang điều trị Ketoconazol.

  • Với Ciclosporin: Sử dụng đồng thời Ketoconazol và Ciclosporin làm tăng nồng độ Ciclosporin huyết tương và nồng độ Creatinin huyết thanh. Một số thầy thuốc khuyên nên cân nhắc giảm liều Ciclosporin hoặc thay thế Ciclosporin bằng một thuốc giảm miễn dịch khác. Những người bệnh dùng 2 thuốc này đã ổn định thì có thể cần tăng liều Ciclosporin khi ngừng Ketoconazol.

  • Với Rifampicin và Isoniazid: Dùng đồng thời Ketoconazol với Rifampicin hoặc Isoniazid sẽ làm giảm nồng độ Ketoconazol trong huyết thanh, do đó không nên dùng đồng thời.

  • Với các chất chống đông máu Coumarin: Ketoconazol có thể làm tăng tác dụng chống đông của các thuốc nhóm Coumarin. Khi dùng đồng thời, cần theo dõi cẩn thận tác dụng chống đông và điều chỉnh liều thuốc chống đông.

  • Với Phenytoin: Dùng đồng thời Ketoconazol và Phenytoin có thể làm thay đổi chuyển hóa của một hoặc cả 2 thuốc này. Cần giám sát nồng độ trong huyết thanh của cả 2 thuốc nếu dùng đồng thời.

  • Với rượu: Phản ứng Disulfiram bao gồm đỏ bừng, nổi ban, phù ngoại vi, buồn nôn và đau đầu, đã xảy ra với một số hiếm người bệnh uống rượu trong thời gian điều trị Ketoconazol nhưng thường sẽ mất đi sau ít giờ. Do đó một số thầy thuốc khuyên không nên uống rượu trong khi điều trị và trong 48 giờ sau khi ngừng dùng Ketoconazol.

  • Với các chất Corticosteroid: Việc dùng đồng thời Ketoconazol và Prednisolon hoặc Methylprednisolon có thể làm tăng nồng độ của Corticosteroid trong huyết tương do làm giảm thanh thải 2 thuốc này. Ketoconazol có thể làm tăng tác dụng ức chế tuyến thượng thận của các Corticosteroid. Ðiều chỉnh liều Corticosteroid có thể là cần thiết nếu dùng đồng thời Ketoconazol.

  • Với Loratadin: Một số ít người bệnh uống Ketoconazol với liều 200 mg x 2 lần/ngày, nếu dùng đồng thời liều duy nhất 20 mg Loratadin sẽ làm tăng diện tích dưới đường cong (AUC) của Loratadin trung bình lên 302%, tăng nồng độ đỉnh của Loratadin trong huyết tương trung bình lên 251%, tăng AUC của Decarboethoxyloratadin (chất chuyển hóa có hoạt tính của Loratadin) trung bình lên 155% và tăng nồng độ đỉnh của chất này trong huyết tương trung bình 141% so với những người dùng Loratadin và giả dược (Placebo).