Thần kinh
PHIÊN TRỰC, TRẺ CON VÀ NHỮNG NỖI BUỒN!
Chuyện kể của Ts.bs Tran Nhu Minh Hang (một cô giáo mà bác sĩ nhi Tú Anh rất ngưỡng mộ, mỗi câu chuyện của cô là một gợi ý cho bs lưu tâm trong tiếp xúc và chẩn đoán bệnh nhi)
Hôm qua trực- phiên trực đầu tiên của mình trong tháng 3 và cũng là phiên đầu tiên của năm Tân Sửu. Phiên trực cũng nhẹ nhàng thôi, chỉ có 2 bệnh nhân vào viện và 13 ca hội chẩn tại các khoa bạn mà thôi! Nhẹ nhàng đến nỗi sau gần 5h đồng hồ liên tục (từ 15h -19h) đi từ khoa này sang khoa khác vừa khám bệnh, ghi hồ sơ về đến khoa mặt mình nhìn muốn ngu luôn! Lúc đến khoa ngoại tiêu hoá (lúc đó mới là ca thứ 7 thôi)mà chắc nhìn mình đã thảm lắm rồi hay sao đó mà bạn điều dưỡng ngẩng lên “bác vào đây ngồi một chút đã rồi em lấy hồ sơ cho bác. Ngồi nghỉ cho đỡ mệt và chóng mặt đã bác nè”. Ko biết sao mà còn biết mình chóng mặt. Mà lúc đó cũng chóng mặt thiệt vì cứ đang ở một khoa lại nhận tiếp điện thoại có khoa khác mời hội chẩn. Đến nỗi đang hội chẩn mà nghe điện thoại reng là mình chỉ sợ nhìn thấy số của 2 điều dưỡng trực cùng!
Trong số 13 ca đó mất gần 1h30 cho 2 ca hội chẩn ở khoa nhi tiêu hoá. Cả 2 đều là nữ, một bé 14 tuổi đang học lớp 8 và một bé 12 tuổi học lớp 6, vào viện vì triệu chứng đau bụng vùng quanh rốn, không có điểm đau khu trú rõ, vị trí đau rất mơ hồ. Với cô bé 14 tuổi mình chưa nghĩ đến nguyên nhân tâm lý là yếu tố chính trong cơn đau của trẻ dù bối cảnh tâm lý cũng cần xem xét đến. Riêng cô bé 12 tuổi thì sự kết nối giữa triệu chứng đau và vấn đề tâm lý khá rõ ràng. Mình muốn chia sẻ 2 trường hợp này để thấy nỗi buồn của trẻ con đa dạng lắm nhiều khi bố mẹ ko quan tâm sẽ dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý hơn nữa ở trẻ.
- Bé 14 tuổi là chị đầu của 3 đứa em (1 trai (12 tuổi và 2 gái sinh đôi 8 tuổi) Bố đi làm xa từ khi em mới sinh ra đời. Bố làm nghề lái máy xúc, mẹ buôn bán. Mấy chị em sống cùng mẹ và bà nội. Bố đi làm khoảng 10 ngày về nhà về mỗi lần chỉ 1 đêm hoặc 1,5 ngày mà thôi. Tuy nhiên mỗi lần về lại hay kéo bạn về nhà nhậu. Cô bé nói “ba con đi xa hoài và lâu lâu mới về nhà một lần nên con thấy bình thường và cũng ko có cảm xúc gì. Vả lại mỗi lần về cũng ít thời gian nên cũng ko có gì để nói. Ba về làm đồ ăn và nhậu với bạn bè. Mẹ con thì đi buôn bán cả ngày đến tối mới về. Hôm nào nhậu thì lại trợn trạo và gây với mẹ nhưng con thấy cũng quen rồi. Khi mình vào khám thấy bố là người đang chăm sóc trẻ. Lúc đó khi mình hỏi gì trẻ thường nhìn bố rồi mới trả lời dù mình chỉ hỏi những câu thông thường như con có mấy anh chị em, ba, mẹ làm gì. Và dù đã 14 tuổi nhưng khi mình hỏi “ba con làm nghề gì?” Trẻ nói “con ko biết”. Khi tiếp xúc với ông bố sau đó ông chỉ nói ông ít khi về nhà và trẻ tính tình khó chịu hay cáu gắt khi không vừa ý. Với kỹ thuật 3 điều ước thì thường với trẻ lớn sẽ khó phát hiện vấn đề hơn do trẻ đã có ý thức nhiều nên sẽ kiểm soát những điều ước của mình. Trong trường hợp này những điều ước của trẻ chưa thấy vấn đề gì đặc biệt “học giỏi hơn, khoẻ mạnh và con mập hơn”. Trẻ khá gầy (cao 1m53, nặng 32 kg), ăn uống kém. Ko thấy có các triệu chứng của chán ăn tâm thần (anorexia)
- Trẻ 12 tuổi, ba làm thợ nề, mẹ buôn bán, là chị gái của một cậu em trai 8 tuổi. Gia đình hoà thuận, yêu thương nhau. Khi hỏi về bạn bè trường lớp trẻ nói con có nhiều bạn và kể tên những cô bạn thân với trẻ. Hỏi trẻ có chuyện gì buồn trên lớp ko, trẻ nói ko có nhưng khi hỏi thêm về những người bạn thân của trẻ thì phát hiện ra trẻ vừa mới nghỉ chơi với một bạn thân nữa của mình. Trẻ kể vài ngày trước, khi trời mưa to (trẻ ở vùng nông thôn), trẻ lo cô bạn mình ko có áo mưa đi một mình sẽ ngã nên trẻ đã đến chờ đợi cô bạn mình rất lâu ở một nơi nào đó để cùng che áo mưa để đưa bạn về nhà nhưng hôm sau cô bạn lại chạy đi chơi với bạn bè khác nên cô bé cảm thấy bạn ko coi mình là bạn thân nữa. Hỏi cô bé có buồn ko, cô nói “con ko buồn” nhưng mắt thì ươn ướt và khi sử dụng kỹ thuật vẽ tranh cô bé đã vẽ bức tranh với mặt trời tươi sáng và 2 cô bé đang ôm vai nhau rất là thân thiện cùng với những bông hoa trên đồi. Tiếc là chiều qua vội quá mình đã quên chụp lại bức tranh. Khi hỏi cô bé, con vẽ ai vậy, cô trả lời “thì con vẽ vậy thôi chứ ko là ai cả”. Hỏi việc học ở trường trẻ nói “con thích học mỹ thuật và ko thích giờ học toán. Thầy toán của con chỉ quan tâm đến các bạn học giỏi thôi còn con học ko giỏi nên thầy ko quan tâm gì nên con càng ngày càng ko hiểu gì về môn toán nên con ghét giờ toán lắm” Khi sử dụng kỹ thuật 3 điều ước thì trẻ ước điều đầu tiên là mẹ con đừng bị bệnh. Trẻ nói “con sợ mẹ con bị bệnh và chết lắm, đêm nào con cũng mơ thấy ác mộng mẹ con hoặc một người thân nào đó của con ra đi, bỏ lại con một mình bơ vơ trên thế gian này. Nhất là sau đợt trời lụt con cứ mơ nước lũ cuốn trôi mẹ, bạn bè và những người thân khác của con”. Khi hỏi bố, mẹ của trẻ có bệnh gì ko, bố nói “mẹ cháu đâu có bệnh gì đâu”. Một hồi bố chợt nhớ ra “a, chắc cháu nghe kể lại ngày xưa sinh cháu khó mẹ phải mổ, rồi đợt sinh cháu thứ 2 mẹ cũng mổ và gặp một số khó khăn nên cháu sợ. Lúc trước tôi hay mọi người hay hỏi cháu là ba mẹ có thêm em nữa nghe nhưng cháu ko chịu nói rằng có một đứa em là đủ rồi nhưng tôi ko biết thì ra là cháu sợ mẹ chết”. Các cơn đau bụng của trẻ thường xuất hiện vào buổi sáng khi chuẩn bị đến trường, vào những giờ học toán và vào những ngày ban đêm cháu gặp ác mộng. Rối loạn lo âu ở trẻ đã khá rõ ràng. Giải thích và trấn an trẻ, nói chuyện và trao đổi với bố về hướng giải quyết cho trẻ. Hy vọng cháu ổn hơn.
Mình cũng đã nhiều lần chia sẻ về rối loạn lo âu ở trẻ em và những biểu hiện về triệu chứng cơ thể là chủ yếu. Tuy nhiên, cái đáng nói là bên dưới những triệu chứng cơ thể đó luôn là những câu chuyện mà người lớn chúng ta cần suy ngẫm. Nhiều người nhất là bố mẹ hay nói với mình “nó con nít biết gì bác ơi” nhưng trẻ con có suy nghĩ và cảm nhận cuộc sống của nó theo một cách rất riêng mà người lớn chúng ta thường chủ quan. Nhiều bậc cha mẹ khi nghe những câu chuyện và suy nghĩ của con mình mới thốt lên “em không ngờ mọi việc lại như vậy”. Nên mỗi bậc cha mẹ nên lấy câu slogan của Prudential “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để có thể trở thành một người bạn của con mình, hướng dẫn, phân tích và đặc biệt phải làm gương trong lời ăn, tiếng nói và cách ứng xử của mình để trẻ có thể phát triển tốt và có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhất có thể. Mình cũng đang cố gắng học hỏi, phấn đấu và tu sửa hàng ngày để có thể là một người mẹ tốt, một người bạn của con và cháu của mình.
Lại một ngày nữa đến. Vẫn là “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, cho ta thêm ngày nữa để yêu thương”.
Chia sẻ của Bác sĩ Đặng Thái Tú Anh
TDOCTOR OFFICIAL
hay quá
Hỏi lúc: 2021-04-02 18:48:20
hay quá
1 bình luận