Tiêu hoá

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TRĨ

2021-06-11 20:18:54

Một số câu hỏi mà bệnh nhân thường hỏi bác sĩ khi mắc bệnh trĩ? 1. Bệnh trĩ là gì? 2. Các triệu chứng nhận biết bệnh trĩ? 3. Làm thế nào để điều trị bệnh trĩ? 4. Chăm sóc sau phẫu thuật điều trị bệnh trĩ như thế nào? 5. Cách phòng ngừa bệnh trĩ ra sao?

 NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TRĨ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TRĨ

Bệnh trĩ là sự phì đại hoặc sưng phù của các búi tĩnh mạch vùng trực tràng thấp. Bệnh trĩ được chia làm hai loại: trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội thường không nhìn thấy được. Khi búi trĩ nội to lên, nó có thể sa ra ngoài hậu môn khi rặn, sau đó tự thụt lên hoặc do bệnh nhân tự đẩy vào. Trĩ ngoại nằm xung quanh lỗ hậu môn. Các búi trĩ ngoại có thể nhìn hoặc sờ được. 

Triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ là đi tiêu ra máu, ngứa hậu môn và đau hậu môn.

Bệnh trĩ là một bệnh thường gặp. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới. Mặc dù bệnh trĩ không thể gây nguy hiểm chết người, nhưng nó gây sự khó chịu cho bệnh nhân. Hiện nay, y học có nhiều phương pháp giúp điều trị bệnh trĩ một cách triệt để nhằm tạo sự thoải mái nhất cho bệnh nhân.

TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT

Bệnh trĩ thường gặp ở các đối tượng sau:

  • Lớn tuổi
  • Tiêu chảy
  • Bướu vùng chậu
  • Sau khi mang thai
  • Ngồi lâu
  • Rặn nhiều khi đi tiêu.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ bao gồm:

  • Đi tiêu ra máu
  • Ngứa hoặc đau hậu môn
  • Khối sa ở hậu môn
  • Chảy dịch phân hoặc khó lau sạch sau khi đi tiêu.

Đi tiêu ra máu – Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh trĩ nhận thấy có máu tươi trong phân, trong toilet hoặc khi lau hậu môn bằng khăn giấy. Lượng máu thường ít. Tuy nhiên, khi lượng máu nhỏ ấy pha loãng với nước rửa khiến bệnh nhân sợ hãi khi thấy toilet đầy máu. Ở một số trường hợp, bệnh nhân có thể chảy máu nặng.

Bệnh trĩ là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đi tiêu ra máu. Tuy nhiên, bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng. Các nguyên nhân khác có thể nguy hiểm như ung thư trực tràng, viêm đại trực tràng… Vì vậy, khi bạn đi tiêu ra máu, hãy đi khám sớm nhất để tìm nguyên nhân.

Ngứa hậu môn Các búi trĩ ngoại thường gây ngứa ngáy vùng da quanh hậu môn

Đau hậu môn – Bệnh nhân mắc bệnh trĩ có thể đau hậu môn. Khi đó, các búi trĩ có thể bị tắc nghẽn hoặc thuyên tắc do huyết khối. Nếu bạn có triệu chứng đau nhiều, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

CHẨN ĐOÁN

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ thăm khám hậu môn và trực tràng của bạn bằng tay. Nếu có máu, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm nội soi hậu môn-trực tràng hoặc nội soi đại tràng để chẩn đoán bệnh trĩ và loại trừ các nguyên nhân khác gây tiêu ra máu.

ĐIỀU TRỊ BAN ĐẦU

Một trong những bước quan trọng đầu tiên trong điều trị bệnh trĩ là tránh bị táo bón. Phân cứng có thể gây chảy máu trực tràng hoặc làm nứt hậu môn. Ngoài ra, phân cứng khiến bạn phải rặn nhiều. Điều này làm nặng hơn bệnh trĩ hiện tại và có thể tạo ra các búi trĩ mới.

Bổ sung chất xơ – Bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn của bạn là một trong những cách làm mềm phân tốt nhất. Chất xơ có thể được tìm thấy trong trái cây và rau củ. Lượng chất xơ cần thiết là 20-35g mỗi ngày. Ngoài ra, chất xơ có thể bổ sung thông qua một số thực phẩm chức năng.

Thuốc nhuận trường – Nếu bạn đã tăng cường bổ sung chất xơ nhưng vẫn đi cầu bón, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhuận trường. Rất nhiều bệnh nhân lo lắng rằng khi họ sử dụng thuốc nhuận trường thường xuyên sẽ gây táo bón nếu họ ngưng sử dụng. Nghiên cứu chứng minh thuốc nhuận trường không làm tăng nguy cơ táo bón. Ngược lại, chúng còn giúp phòng ngừa lâu dài vấn đề táo bón.

 Ngâm hậu môn bằng nước ấm – Bạn có thể ngâm hậu môn bằng nước ấm 3 lần/ngày, mỗi lần từ 10-15 phút. Bạn nên chọn loại thau đủ lớn để có thể ngâm ngập hậu môn trong 3-4cm nước ấm. Không thêm xà phòng, chất tạo bọt hay các chất khác vào nước. Ngâm hậu môn bằng nước ấm giúp tăng tuần hoàn máu và giãn cơ quang lỗ hậu môn (cơ thắt trong hậu môn)

Thuốc bôi ngoài da – Có nhiều loại kem và các chất bôi ngoài da giúp điều trị trĩ. Kem giảm đau và hydrocortisone dạng bôi ngoài da giúp giảm đau, giảm sưng viêm, giảm ngứa tạm thời. Không nên sử dụng các loại thuốc này, đặc biệt là hydrocortisone quá một tuần, trừ khi bạn có hướng dẫn điều trị từ bác sĩ.

ĐIỀU TRỊ CAN THIỆP

Hiện nay, các phương pháp điều trị bệnh trĩ được chia làm hai loại: điều trị xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật.

Các phương pháp xâm lấn tối thiểu chỉ áp dụng cho trĩ nội bao gồm:

  • Thắt dây thun
  • Chích xơ
  • Triệt tiêu búi trĩ bằng tia laser, tia hồng ngoại hoặc đốt điện.

Phẫu thuật cắt búi trĩ có rất nhiều phương pháp, trong đó thường thấy gồm:

  • Phẫu thuật cắt búi trĩ thông thường
  • Phẫu thuật khâu treo búi trĩ (phẫu thuật Longo).

Biến chứng sau phẫu thuật cắt/khâu treo búi trĩ:

  • Táo bón
  • Chảy máu nhiều
  • Chảy dịch hậu môn nhiều
  • Sốt
  • Tiểu khó hoặc bí tiểu
  • Đau nhiều hậu môn khi đi tiêu
  • Nhiễm trùng vết mổ vùng hậu môn
  • Tác dụng phụ của gây tê/gây mê (đau đầu, buồn nôn…)
  • Hẹp hoặc nứt hậu môn.

CHĂM SÓC SAU MỔ

Sau phẫu thuật cắt trĩ hay khâu treo búi trĩ, bạn nên làm theo hướng dẫn chăm sóc như sau:

  • Chống táo bón – ăn bổ sung chất xơ hoặc sử dụng thuốc làm mềm phân
  • Giảm đau – sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ (kháng viêm và giảm đau)
  • Chảy máu hậu môn – đi tiêu máu ít hoặc rỉ ít máu là bình thường sau mổ cắt trĩ. Sử dụng khăn giấy mềm lau sạch. Nếu thấy khăn giấy ướt đẫm máu tươi hoặc bạn có sốt, lạnh run thì hãy đi khám ngay
  • Nôn ói – là vấn đề thường thấy ở bệnh nhân sau gây tê/gây mê. Nôn ói thường đi kèm táo bón. Nếu bạn nôn ói nhiều hoặc sốt, hãy đi khám ngay
  • Tiểu khó – thường gặp ở bệnh nhân sau mổ. Nếu bạn không thể đi tiểu sau mổ 8 tiếng hoặc khó chịu nhiều do bí tiểu, liên hệ với bác sĩ ngay
  • Ngâm hậu môn bằng nước ấm – bạn nên làm khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút. Nếu bạn có đi tiêu ngoài 3 lần kể trên, ngâm hậu môn thêm 1 lần tương tự cho mỗi lần đi tiêu
  • Hoạt động nặng – hạn chế các hoạt động nặng (chạy bộ, bơi lội, cử tạ…) ít nhất 1 tuần sau mổ
  • Tái khám – đặt lịch hẹn với bác sĩ sau mổ từ 7 đến 14 ngày để được kiểm tra sự hồi phục của vết thương.

0 bình luận

Gửi ý kiến bình luận
Xem thêm
Rất hữu ích Rất hữu ích
Hữu ích Hữu ích
Bình thường Bình thường

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe

hãy liên hệ với Tdoctor thông qua cách thức đặt câu hỏi trực tuyến Tại đây.
Hoặc mời bạn liên hệ qua Hotline/ Zalo: Zalo: 0393.167.234 hay có thể tìm bác sĩ tại đây
Trân trọng.