Tóm tắt bệnh Đái dầm

Đái dầm là chứng bệnh tiểu không tự chủ thường gặp ở khoảng 10% số  trẻ em từ 5 đến 6 tuổi. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng là phổ biến hơn vào ban đêm trong khi ngủ. Đái dầm có thể là căn bệnh tự phát hoặc do căng thẳng nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của rối loạn khác như: nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, táo bón. 

Triệu chứng

Tiểu không tự chủ, đặc biệt là về ban đêm.

Chẩn đoán

Thực hiện khai thác bệnh sử và khám lâm sàng. Bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu và đo nồng độ Glucouse. Nếu nguyên nhân của đái dầm bị nghi ngờ là do các rối loạn khác, bệnh nhân có thể sẽ cần phải siêu âm.

Điều trị

Hầu hết trẻ em khi lớn lên, chứng đái dầm sẽ tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Việc tập cho trẻ thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ cũng có hiệu quả. 

Tổng quan bệnh Đái dầm

Đái dầm là chứng bệnh thông thường của trẻ em. Khoảng 15-20% trẻ từ 5 tuổi trở xuống mắc phải bệnh đái dầm. Khi đến tuổi mà không thể kiểm soát được sự đi tiểu là đã bị bệnh đái dầm.

Khoảng 15-20% trẻ sơ sinh tới 5 tuổi đái dầm liên miên, không bao giờ ngủ trên giường khô ráo, đây là dạng đái dầm týp 1 (Primary Noctumal Enuresis).

Khoảng 3-8% trẻ em từ 5-12 tuổi có lúc đã ngừng đái dầm được 6 tháng, rồi lại đái dầm trở lại, là dạng đái dầm týp 2 (Secondary Noctumal Enuresis).

Có tới 2-5% trẻ em đã lớn rồi, ở tuổi vị thành niên, vẫn còn đái dầm.

Bệnh đái dầm có tính chất di truyền: nếu bố hoặc mẹ thuở nhỏ hay đái dầm thì 40% con cái của họ cũng sẽ bị đái dầm. Nếu cả bố lẫn mẹ thuở nhỏ bị bệnh đái dầm thì 70-75% con cái của họ sẽ bị bệnh đái dầm.

Điều trị bệnh

Những thuốc chữa đái dầm gồm có: Oxybutynin Chloride (Ditropan), Imipramine HCl (Tofranil), Desmopressin Acetate (DDAVP). Thuốc chữa đái dầm thường phức tạp, tùy theo những trường hợp khác nhau, cần có đơn của bác sĩ và cần có bác sĩ theo dõi.

Những phương pháp chữa đái dầm khác

  • Tùy theo môi trường xung quanh: thường thì khi đưa con đi khám bệnh đái dầm, bố mẹ đã thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm cách giảm bệnh đái dầm. Ví dụ như hạn chế không cho con uống nhiều nước trước khi đi ngủ, hay đánh thức con dậy đi tiểu trước khi bố mẹ đi ngủ.

  • Khi trẻ đã đến tuổi đi học thì nên trải miếng ni-lông trên giường, tốt hơn là bắt trẻ đóng tã giấy. Nên để đèn đêm gần chỗ đi tiểu, để trẻ không ngại khi trở dậy đi tiểu.

  • Nên giúp đỡ trẻ qua những lúc khó khăn, đừng trừng phạt trẻ. Không nên đổ lỗi cho trẻ, mà ngược lại nên giúp trẻ hiểu biết, có trách nhiệm để có thể làm được những gì cần phải tự làm. Nếu trẻ cố gắng thức giấc, tự đi tiểu, hay đêm nào không bị đái dầm, thì nên khen ngợi. Phương pháp này có thể giúp trẻ khỏi hẳn đái dầm, tỉ lệ lên đến 25%. Phương pháp này cũng giúp trẻ thêm tiến bộ tự kiểm soát được đái dầm, khoảng 75%.

  • Tập luyện bàng quang, nhất là trong trường hợp bàng quang quá nhỏ. Tập luyện bằng cách lúc đang đi tiểu, tự ngừng lại, kéo dài đường tiểu. Cũng có thể uống nhiều nước ban ngày.

  • Dụng cụ báo động lúc đái dầm: có lẽ đây là phương pháp hiệu quả nhất để chữa bệnh đái dầm. Dụng cụ nối với đồng hồ báo thức gài vào trong quần lót của trẻ. Khi đái dầm, nước tiểu trong quần làm tăng độ ẩm giúp phát ra tín hiệu làm đồng hồ reo vang, đánh thức trẻ dậy đi tiểu. Thường thì phải cần tới 3 tuần mới thấy hiệu quả.

  • Đôi khi có thể dùng phương pháp tổng hợp: vừa dùng thuốc, vừa dùng đồng hồ báo thức cũng cho kết quả tốt.

Các câu hỏi liên quan bệnh Đái dầm