Kiến Thức Y Học

Một vài giải đáp về bệnh hô hấp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

2021-07-23 10:09:17

Tác hại của covid-19 gây ra cho hệ hô hấp, các bệnh mắc phải và biến chứng. Vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.

Một vài giải đáp về bệnh hô hấp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 Một vài giải đáp về bệnh hô hấp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Từ tháng 12 năm 2019, một chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2) đã được xác định là căn nguyên gây dịch Viêm đường hô hấp cấp tính (COVID-19) tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), sau đó lan rộng ra toàn thế giới gây đại dịch toàn cầu. Vi rút SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Vi rút cũng có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, vi rút cũng liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn và khó kiểm soát hơn.
Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm.

Trong các triệu chứng thì triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Theo bác sĩ chuyên khoa phổi, hô hấp bệnh nhân có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi. Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
+ Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
+ Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng.

Ngoài các biến chứng của bệnh COVID -19 xảy ra ở phổi như : viêm phổi, suy hô hấp cấp, nặng hơn là tình trạng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh... các biến chứng khác như: tổn thương gan cấp tính, viêm cơ tim cấp tính, tổn thương thận cấp, sốc nhiễm khuẩn, bội nhiễm nấm ở phổi,đông máu rải rác trong lòng mạch, hội chứng đáp ứng viêm hệ thống ở trẻ em, các biểu hện ở hệ thần kinh, rối loạn cảm xúc, lo lắng....
Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu người bệnh  không có biểu hiện suy hô hấp bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Những biến thể mới phức tạp, nguy hiểm của Virus sars-cov-2 ảnh hưởng tới hệ hô hấp như thế nào? 
Hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp virus có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp. 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi rút/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.
Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.
Tại Việt Nam, ngay từ khi vụ dịch bùng phát đã phát hiện ra các biến thể mang đột biến D614G vào đầu tháng 03/2020 từ những công nhân từ nước ngoài về, tiếp đến là sự xuất hiện của các VOCs như biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10/2020 từ những công dân về nước từ Anh là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam. Đặc biệt lần dịch bùng phát lần thứ 4 tại Bắc Giang, Bắc Ninh... nhát là TPHCM trong thời gian gần đây biến thể Delta có mức độ lân lan rất nhanh và rất nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng nagy cả ở người trẻ tuổi không có bệnh nền. 

Người mắc bệnh nền về hệ hô hấp cần lưu ý những gì? Phương án theo dõi và điều trị.
Đối với những bệnh nhân có bệnh nền sẵn về bệnh lý đường  hô hấp như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, lao phổi...Đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường hay xảy ra ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở lên. Đây là những yếu tố rất thuận lợi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn, vi rút... trong đó có SARS-COV-2. Chính vì vậy việc  tuân thủ điều trị những bệnh lý nói trên cực kỳ quan trọng nhằm giảm bớt các yếu tố nguy cơ bội nhiễm và biến chứng nặng của bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm phòng vaccin và cần có số điện thoại cũng như sự tư vấn của các bác sỹ mà mình thăm khám các bệnh lý định kỳ để hỏi đáp các thắc mắc và tư vấn xử trí các biến cố của bệnh.

 


Một số tác dụng phụ của vắc-xin phòng COVID-19 với người dân cũng như bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp
Hiện nay, theo bác sĩ phổi, hô hấp biện pháp phòng chống dịch tốt nhất là 5K + vắc-xin. Trên Thế giới có rất nhiều loại vắc -xin phòng COVID -19. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn và tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Một người sau khi tiêm vắc xin có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ, đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang được bảo vệ. Gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin có nghĩa là vắc-xin đang hoạt động và hệ thống miễn dịch của bạn đang đáp ứng một cách bình thường.


Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin COVID-19
Giống như bất kỳ loại vắc xin nào, vắc xin COVID-19 có thể gây ra các phản ứng phụ, hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và tự biến mất trong vài ngày. Các tác dụng phụ được báo cáo của vắc xin COVID-19 hầu hết đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và không còn kéo dài sau vài ngày. Các tác dụng phụ điển hình bao gồm đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh và tiêu chảy. Khả năng xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi tiêm là khác nhau tùy theo loại vắc xin cụ thể và tùy theo cơ địa mỗi người.

Các tác dụng phụ ít gặp hơn sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Sau khi tiêm vắc-xin, người được tiêm được yêu cầu ở lại 15–30 phút tại điểm tiêm chủng để nhân viên y tế có mặt ngay lập tức trong trường hợp có bất kỳ phản ứng tức thời nào. Người được tiêm vắc xin phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ y tế địa phương nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn hoặc các sự cố sức khỏe khác - chẳng hạn như tác dụng phụ kéo dài hơn 3 ngày. Các phản ứng phụ ít gặp hơn được báo cáo đối với một số vắc xin COVID-19 bao gồm các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phản vệ; viêm cơ tim, tắc mạch phổi....tuy nhiên, phản ứng này cực kỳ hiếm. 

Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa phổi, hô hấp đối với người dân nói chung và bệnh nhân mắc bệnh hô hấp nói riêng trong thời buổi dịch bệnh
Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp và lây lan nhanh do biến thể Delta. Chính vì vậy việc  tuân thủ điều trị những bệnh lý nền đã có của bệnh nhân như : Đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, các bệnh hô hấp: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, lao phổi...và các nhóm bệnh lý khác co vai trò cực kỳ quan trọng nhằm giảm bớt các yếu tố nguy cơ bội nhiễm và biến chứng nặng của bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm phòng vaccin, thăm khám định kỳ và cần có số điện thoại cũng như sự tư vấn của các bác sỹ mà mình thăm khám. Bên cạnh đó với sự phát triển của mạng lưới bác sỹ Online cũng có vai trò quan trọng giúp tư vấn từ xa, mọi lúc, mọi nơi cho bệnh nhân để giải đáp các thắc mắc và tư vấn xử trí các biến cố của bệnh giúp bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn trong cuộc sống. 


TS.BS.NGUYỄN VĂN TÌNH - TRƯỞNG KHOA HỒI SỨC CẤP CỨU -  BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG.

 

0 bình luận

Gửi ý kiến bình luận
Xem thêm
Rất hữu ích Rất hữu ích
Hữu ích Hữu ích
Bình thường Bình thường

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe

hãy liên hệ với Tdoctor thông qua cách thức đặt câu hỏi trực tuyến Tại đây.
Hoặc mời bạn liên hệ qua Hotline/ Zalo: 0393.167.234 hay có thể tìm bác sĩ tại đây
Trân trọng.