Tim Mạch

TAI BIẾN DO TIÊM CHẤT LÀM ĐẦY

2023-08-04 16:54:20

Chiều qua, nhận được cuộc gọi của một đồng nghiệp, hỏi ý kiến về một cô gái bị mù mắt sau khi được tiêm chất làm đầy. Dù đã có nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, tuy vậy, rất đáng tiếc khi vẫn còn khá nhiều cô gái trẻ trở thành nạn nhân của việc làm đẹp.

TAI BIẾN DO TIÊM CHẤT LÀM ĐẦY TAI BIẾN DO TIÊM CHẤT LÀM ĐẦY
Tiêm chất làm đầy làm căng da mặt (Dermal filler injection) là kỹ thuật thường được sử dụng trong thẩm mỹ để xóa các nếp nhăn. Tuy nhiên, gần đây khá nhiều các biến chứng nguy hiểm (đột quỵ, mù mắt) liên quan đến kỹ thuật này được báo cáo, ước tính đã có gần 100 trường hợp trên toàn cầu. Tại BVND 115, chúng tôi đã gặp ít nhất 3 trường hợp tương tự.
 
Nguyên nhân là, không ai có thể chắc chắn việc chất làm đầy không bị tiêm thẳng vào các mạch máu. Khi lọt vào lòng mạch máu, chất làm đầy có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc (có thể gây mù mắt vĩnh viễn) hoặc thuyên tắc động mạch não (gây nhồi máu não). Gần đây, tổ chức quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về các biến chứng này, và chỉ chấp thuận cho chỉ định tiêm các chất làm đầy đối với các trường hợp xóa nhăn phần mặt dưới (vùng quanh môi).
 
Trong số các loại chất làm đầy, khoảng 80% các trường hợp được sử dụng là acid hyaluronic, là một phân tử đường lớn (polysaccharide) có khả năng giữ một lượng nước khá lớn (gấp 500-1000 lần so với trọng lượng của nó). Đó là lý do các chị em đặc biệt ưa chuộng, một khi đã lâm vào tình trạng “mất nước”.
 
 
Chúng tôi vẫn nhớ rõ trường hợp đầu tiên vào năm 2016, một bệnh nhân nữ, còn rất trẻ (sinh năm 1994) nhập viện vì yếu tay chân Phải và mù mắt Trái, ngay sau khi bị tiêm thẳng chất làm đầy vào vùng cạnh mũi. Khi khảo sát MRI não, cho thấy hình ảnh khá ấn tượng với một chuỗi rất nhiều emboli gây tắc nhiều mạch máu nhỏ tại vùng ráp gianh bán cầu Trái. Sau đó gây chuyển dạng xuất huyết não.
 
Kích thước phân tử của acid hyaluronic khoảng 400µm, do vậy có thể dễ dàng làm tắc nghẽn động mạch (ĐM) võng mạc có đường kính nhỏ hơn (160µm), mà ít khi ảnh hưởng đến động mạch mắt có đường kính to hơn rõ rệt (2mm). Vấn đề là làm sao phân tử của acid hyaluronic có thể vào được hệ thống ĐM khi mà chỉ được tiêm dưới da ???
Gần đây người ta nhận thấy các phân tử acid hyaluronic có khả năng thẩm thấu qua da và cả mạch máu. Tuy nhiên khả năng các phân tử cực nhỏ này có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc hoặc động mạch mắt là rất khó xảy ra. Như vậy, khả năng tiêm thẳng vào ĐM vùng cạnh mũi là khả năng xảy ra cao nhất.
 
Nhìn vào hệ thống mạch máu vùng mặt, ta có thể hình dung đường đi của các phân tử acid hyaluronic trong trường hợp bệnh nhân này. Sau khi tiêm (một cách vô tình) một phần vào ĐM mũi bên (lateral nasal artery), các phân tử acid hyaluronic sẽ di chuyển ngược dòng về gây thuyên tắc ĐM võng mạch trung tâm (do có kích thước nhỏ hơn ĐM mũi bên). Một số các phân tử có kích thước nhỏ hơn sẽ tiếp tục di chuyển về ĐM mắt (nhưng không gây thuyên tắc ĐM mắt, do các phân tử này có kích thước nhỏ hơn) qua ĐM cảnh trong bên trái vào gây thuyên tắc tại các ĐM vùng vỏ não tận cùng. Sau khi gây thuyên tắc, các phân tử acid hyaluronic có thể gây viêm mạch máu tại chổ và gây xuất huyết não thứ phát sau đó.
 
 
Rất tiếc cho đến nay vẫn chưa có điều trị đặc hiệu cho tai nạn này. Dù bệnh nhân đến sớm, liệu pháp tiêu huyết khối bằng tPA có lẻ không có lợi ích vì không phù hợp cơ chế và có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết. Chỉ có thể đưa dịch vào cơ thể với hy vọng có thể “wash out” các emboli.
Đừng vì mong muốn làm đẹp (mà cũng không chắc là đẹp !!!), để tự đưa mình vào những rủi ro không đáng có./.
 
 

0 bình luận

Gửi ý kiến bình luận
Xem thêm
Rất hữu ích Rất hữu ích
Hữu ích Hữu ích
Bình thường Bình thường

Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe

hãy liên hệ với Tdoctor thông qua cách thức đặt câu hỏi trực tuyến Tại đây.
Hoặc mời bạn liên hệ qua Hotline/ Zalo: 0393.167.234 hay có thể tìm bác sĩ tại đây
Trân trọng.