Xương khớp
TOP 5 bệnh xương khớp phổ biến tại việt nam
Seri chia sẻ về các bệnh xương khớp của Ths BS CK II Nguyễn Ngọc Thạch, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh hôm nay sẽ chia sẻ về những bệnh xương khớp phổ biến tại Việt Nam cũng như cách dự phòng và căn nguyên bệnh.
Ths BS CK II Nguyễn Ngọc Thạch, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về những bệnh xương khớp phổ biến tại Việt Nam.
Hệ thống cơ quan vận động của chúng ta có tới hơn 200 xương được kết nối với nhau bằng trên 200 khớp xương, quanh các khớp có các dây chằng bám vào để giữ vững khớp, cũng như trên xương có rất nhiều cơ, gân bám vào để tạo ra sự chuyển động. Sự phức tạp trong kết cấu của hệ vận động đưa tới sự kì diệu trong cuộc sống đầy chuyển động của chúng ta, từ những điều đơn giản như đi bộ, chạy, nhảy, leo trèo tới khiêu vũ, bơi lội, từ những hoạt động cầm nắm đơn thuần tới sự tinh vi tỉ mỉ của những nghệ sĩ hội họa, âm nhạc…
Hệ cơ quan vận động cũng có những trục trặc của riêng chúng, và biểu hiện thành những bệnh cơ xương khớp thường gặp sau đây:
Thoái hóa khớp
Đây là bệnh thường thấy nhất của các khớp trong cơ thể chúng ta. Thoái hóa khớp xảy ra khi lớp sụn vốn bao bọc các đầu xương để kết nối khớp được trơn tru, bây giờ bị mòn, rách rụn khiến các đầu xương chạm vào nhau có tính chất thô, ráp, kết quả của hiện tượng này là biểu hiện sưng khớp và cứng khớp. Các triệu chứng thường biểu hiện khi mọi người bước vào tuổi trung niên, khi quá trình lão hóa đã bắt đầu kéo tới, ảnh hưởng tới tất cả chúng ta.
Triệu chứng:
- Đau khớp và sưng tấy ở khớp
- Cứng khớp mức độ nhẹ và thỉnh thoảng khớp sưng to lên
Nguyên nhân:
- Di truyền gia đình
- Thừa cân, béo phì các mức độ
- Đã từng gãy xương phạm khớp hoặc những tổn thương khớp trước đó
- Hoạt động liên quan hệ thống xương khớp quá nhiều
- Chơi những môn thể thao ảnh hưởng trực tiếp tới các khớp
- Một số bệnh lý khác đang mắc, vốn có ảnh hưởng tới khớp xương (bệnh thấp khớp, bệnh gút..)
Cách phòng ngừa:
- Đừng sử dụng quá mức các hoạt động ở khớp xương mà cảm thấy đau, khi làm việc nhà, hoạt động trong công việc hay chơi thể thao
- Duy trì cân nặng hợp lý, cân đối
- Tập luyện tăng sức mạnh cơ bắp để bảo vệ các khớp mà chúng bao quanh
Bệnh gút
Biểu hiện bởi cơn đau ở 1 khớp, thường thấy là khớp ngón chân cái hoặc các khớp nhỏ ở vùng bàn chân, có thể đau ở khớp cổ chân
Triệu chứng:
- Đột ngột thấy đau và sưng lên ở 01 khớp
- Triệu chứng thường khởi phát ban đêm
Nguyên nhân
- Bệnh gút là do mức axit uric trong máu quá cao
- Hải sản, thịt, nội tạng động vật và rượu bia có thể khởi phát đợt bệnh của gút
- Sử dụng một số loại thuốc lợi tiểu (trong bệnh tăng huyết áp…) cũng thường gây khởi phát đợt bệnh gút
Ngăn ngừa:
- Tránh sử dụng các loại thức ăn mà bản thân từng bị đau khớp sau khi ăn chúng
- Khi khởi phát cơn đau của gút, cần gặp bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được tư vấn và điều trị sớm
Viêm khớp dạng thấp
Đây là bệnh lý có tính chất lâu dài, bệnh lý tự miễn, gây ra viêm của các khớp và các mô chung quanh. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể biểu hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường thấy ở tuổi trung niên hơn.
Triệu chứng:
- Cứng khớp vào buổi sáng, kéo dài nhiều giờ, điển hình ở điểm xảy ra vào buổi sáng
- Đau và sưng các khớp ở tay, ở chân và cổ tay
Nguyên nhân:
Đây là bệnh mà nguyên nhân dù đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới nhưng chưa được biết một cách rõ ràng. Nhiễm trùng, yếu tố di truyền, và thay đổi hóc môn có thể liên quan tới bệnh này
Ngăn ngừa:
Thật sự không có cách nào để ngăn chặn bệnh này cả. Vì hút thuốc lá có thể làm nặng thêm tình trạng viêm khớp dạng thấp, nên cần bỏ hẳn thuốc lá. Người bệnh cần điều trị sớm khi bệnh mới khởi phát để khỏi bệnh nhanh, mau trở lại cuộc sống và công tác thường ngày
Viêm bao hoạt dịch
Đây là bệnh với biểu hiện sưng tấy và nhạy đau ở vùng túi hoạt dịch-đây là những bao dịch đóng vai trò như chiếc nệm nằm giữa các cơ, các gân và các khớp
Triệu chứng:
- Đau và nhạy đau khi ấn vào vùng quanh khớp
- Cứng khớp và đau khớp khi di chuyển khớp đang bị bệnh
- Sưng, nóng và đỏ ở vùng quanh khớp đang bị ảnh hưởng của bệnh
Nguyên nhân:
- Hoạt động quá mức hay thay đổi cường độ vận động đột ngột
- Chấn thương, viêm khớp, bệnh gút hoặc nhiễm trùng khớp
- Đôi khi bệnh này khởi phát mà chẳng có nguyên nhân gì cả
Ngăn ngừa: Tránh các hoạt động có tính chất lặp đi lặp lại liên tục trong thời gian dài như đánh máy tính, chặt thịt… thay vào đó, mọi người thay đổi trạng thái làm việc, cho khớp nghỉ ngơi sau 15 phút, rồi lại làm tiếp để tránh dẫn tới bệnh này
Loãng xương
Đây là một trong những tình trạng hay gặp ở các bệnh về xương. Bệnh gây ra sự mỏng manh của xương, dễ dẫn tới gãy xương
Triệu chứng:
- Giảm chiều cao (khoảng 8cm) qua thời gian
- Thấy tướng người càng ngày càng như khom xuống
Nguyên nhân:
- Di truyền trong gia đình
- Giảm lượng hóc môn Estrogen ở thời kỳ mãn kinh nữ giới
- Nghiện rượu
- Quá gầy
- Hút thuốc lá
Ngăn ngừa:
- Chế độ ăn uống hợp lý, có nhiều canxi và vitamin D
- Không uống rượu bia quá nhiều
- Không hút thuốc
- Thường xuyên tập thể dục thể thao
Trên đây là những chia sẻ của Ths BS CK II Nguyễn Ngọc Thạch, mong rằng qua những chia sẻ này các bạn sẽ hiểu rõ hơn về những bệnh xương khớp phổ biến tại Việt Nam cũng như cách dự phòng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về bệnh xương khớp hãy liên hệ với bác sĩ của chúng tôi để được tư vấn và giải đáp thắc mắc miễn phí nhé!
Giờ làm việc: 24h/7
10000 Vnđ/Phút
0 bình luận